Xử trí khi bé hay nói dối
Lên 3, bé bắt đầu biết cách nói dối hoặc “nói hỗn” với cha mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình. Bé có thể “cãi” lại bạn một cách quyết liệt khi đánh vỡ một chiếc cốc. Bé có xu hướng phủ nhận trách nhiệm của mình và cho rằng lỗi này là do: “Cốc này mẹ rửa chưa khô, còn trơn quá” hay “Tại anh Bi đẩy con chứ”. Dù đúng dù sai, khi ấy bạn cũng nên kiên nhẫn lắng nghe bé giãi bày.
Ở độ tuổi này, bé cũng có thể ghi nhớ những sự kiện ngắn, thậm chí bé có khả năng nhớ rất lâu những điều bé không hài lòng. Tuy nhiên, bé lại thường xuyên tìm cách “lờ” đi những khiếm khuyết của mình. Bé cũng cho rằng việc mình nói dối là hoàn toàn bình thường và không “mắc tội lớn” như lời bạn đã “kết tội” bé.
Những hành vi mắc lỗi của bé thường là do bé không cố ý. Vì vậy, nếu bạn phát hiện bé đánh vỡ cốc nhưng bé lại không tự giác nhận lỗi, bạn nên nhanh chóng nói chuyện với bé một cách nghiêm túc: “Nếu lần sau con còn làm vỡ cốc như thế, hãy nói với mẹ ngay nhé. Bây giờ hãy giúp mẹ lấy chổi để quét những mảnh vỡ này”. Bạn cũng nên nhấn mạnh tác hại sau những lần bé mắc lỗi. Bên cạnh đó, bạn có thể cho bé biết rằng bạn sẵn lòng tha thứ nếu bé biết thú nhận.
Hướng dẫn bé học nói
Lên 3, bé được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Vì vậy, bé cũng có thể bắt chước và tập nói rất nhiều cụm từ xấu. Bạn nên lưu ý dạy bé một số cụm từ có ý nghĩa văn minh, lịch sử mà bé có thể sử dụng hàng ngày như:
“Tớ có thể chơi cùng được không?” - khi bé muốn tham gia trò chơi nào đó cùng một nhóm bạn. Bạn nên để cho bé biết phải được sự đồng ý và chấp nhận của các bạn khác, bé mới được phép chơi cùng.
“Con cảm ơn cô (bác) nhiều ạ” - khi bé được nhận quà.
“Con không vui vì bạn Bống cứ giật tóc con” - khi bé biểu lộ sự tức giận với một ai đó
Lưu ý: Bạn cũng cần hướng dẫn để bé giữ âm lượng vừa phải khi nói chuyện. Tránh việc bé nói quá nhỏ hoặc quá lớn khiến người nghe phải bực mình, khó chịu.
Cùng bé đọc sách
Bạn nên tìm những cuốn sách hay cuốn truyện tranh về thế giới các loài vật. Những cuốn sách như thế này có tác dụng giúp bé khám phá thế giới tự nhiên đồng thời kích thích trí tưởng tượng phong phú của bé.
Mỗi lần đọc cho bé nghe xong 1 mẩu chuyện, bạn nên gợi ý để bé hình dung ra những đoạn kết khác theo ý kiến của cá nhân bé. Bé sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú với sự sáng tạo của mình, nhất là khi bé được bạn khen.
Bạn cũng có thể chọn những bài thơ hay những bài hát ngắn thú vị và dạy bé học thuộc bằng cách bạn hát mẫu trước đó. Để bé dễ ghi nhớ hơn, bạn nên lặp đi lặp lại từng câu ngắn mỗi ngày. Khi bé đã quen rồi, lúc ấy bạn mới xâu kết các câu rời rạc lại với nhau thành một bài hoàn chỉnh và cho bé “thể hiện”
Điều chỉnh hành vi
Lên 3, bé rất thích bày ra nhiều trò tinh nghịch để gây sự chú ý của mọi người xung quanh. Bạn sẽ thấy lúc nào bé cũng luôn miệng ríu rít: “Mẹ ơi, mẹ ơi, nhìn con này” khi bé đi xe đạp ba bánh bằng một tay hay nhảy lò cò quanh nhà. Khi đó, bạn nên hướng dẫn để bé biết phát triển các kỹ năng vận động, loại trừ những hành vi có tính chất nguy hiểm.
Bạn có thể hướng dẫn để bé đi giày thể thao và chơi các trò chơi hay thoải mái chạy nhảy trong công viên. Tuyệt đối lưu ý khi bé muốn trèo cây hay chơi bóng gần khu vực hồ nước. Để bé tự nhận biết đó là những khu vực rất nguy hiểm và không thích hợp để vui chơi.
Giúp bé tự vệ sinh cơ thể
Lên 3, bé đã bắt đầu đi mẫu giáo. Do đó, không phải lúc nào bạn cũng ở bên cạnh để giúp bé hình thành thói quen vệ sinh đôi bàn tay. Mặc dù, ở lớp mẫu giáo, các cô giáo cũng sẽ giúp bé rửa tay khi cần thiết. Tuy nhiên, bạn nên hướng dẫn để bé tự hinh thành thói quen này ngay cả khi không có người lớn bên cạnh.
Nếu ở nhà, bạn nên thường xuyên nhắc nhở bé rửa sạch và lau khô tay trước mỗi bữa ăn dù đó chỉ là bữa ăn vặt trong ngày của bé. Ở độ tuổi này, bạn cũng có thể hướng dẫn để bé biết cách đánh răng, rửa mặt….
Làm quen với chữ cái
Lên 3, bạn có thể cùng bé chơi trò nhận biết các con số hay các mặt chữ cái. Qua đó, hướng dẫn để bé biết sắp xếp chữ cái để tạo trật tự cái tên bé hay tên bố mẹ và người thân khác trong nhà. Để bé dễ dàng ghi nhớ tên mình, bạn có thể viết tên bé lên tờ giấy trắng bằng bút màu. Sau đó, để bé tự dán tên mình lên bức tường treo trong phòng bé để bé có cơ hội thường xuyên tiếp xúc và ghi nhớ.
Tâm lý thoải mái
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bé dễ dàng học hỏi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống khi cha mẹ để bé tiếp thu một cách tự nhiên và thoải mái nhất. Chẳng hạn, bạn không nên cấm khi thấy bé thích ngồi vẽ trên nền nhà hay trong bãi cát ở công viên. Bạn cũng có thể bật những bản nhạc nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi của bé trong lúc bé vui chơi. Âm nhạc giúp bé hứng thú và có tác dụng nhất định đến sự phát triển trí não bé.
Tác giả: admin