Dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ từ 3 - 6 tuổi
.
Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn bé học mẫu giáo, nhưng không phải vì vậy mà mẹ phụ thuộc hết vào sự chăm sóc của các cô giáo. Để chủ động kiểm soát sự phát triển của trẻ, mẹ nên nắm vững một vài kiến thức căn bản về độ tuổi này.
Đặc điểm phát triển thể chất của trẻ
Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể đã có thể học vẽ.
Trong giai đoạn này, trẻ có sự phát triển vượt trội về thể chất. Trẻ có thể kiểm soát được hầu hết các hoạt động chạy, nhảy và cả lời nói. Do vậy, đây cũng là lúc trẻ bắt đầu tiếp thu các bài học của mình ở trường như: viết, vẽ, kể chuyện, hát,…
Đặc biệt, trong giai đoạn này, trọng lượng cũng như thể tích não bộ của trẻ phát triển rất mạnh mẽ và có thể đạt đến mức hoàn chỉnh như người lớn khi trẻ lên 6. Để hỗ trợ điều này tốt nhất, mẹ không thể quên vai trò vô cùng quan trọng của protein.
Mẹ có thể theo dõi mức tăng trọng của bé trong khoảng 2 – 3 tháng liên tiếp. Nếu bé có biểu hiện tăng cân quá mức hay kém tăng trưởng so với chuẩn, mẹ nên đưa bé đến các trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn.
Trẻ 3 - 6 tuổi cần những chất gì?
Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng của trẻ phải đảm bảo đầy đủ các chất trong nhóm: tinh bột; đạm; vitamin và khoáng tố; chất béo.
Với nhóm tinh bột, mẹ có thể tìm thấy các thực phẩm như: cơm, khoai, mì, bún, nui, miến,… Những chất này sẽ có vai trò cung cấp năng lượng cho bộ não hoạt động.
Với nhóm chất đạm, có nhiệm vụ tạo máu, tạo kháng thể, và sản sinh các acid amin thiết yếu cho não bộ hoạt động, mẹ có thể tìm thấy trong chúng trong các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, thịt dê…; các loại thịt trắng như thịt gà, thịt vịt…; các loại cá, tôm, cua; trứng, đậu…
Các nhóm vitamin và khoáng tố lại có nhiều trong sữa, các loại rau và củ quả. Chẳng hạn: Vitamin A thường có nhiều trong gan động vật; trứng, sữa và các sản phẩm từ trứng, sữa; các loại củ có màu đỏ như đu đủ, cà rốt, đu đủ, gấc; các loại rau xanh thẫm như rau ngót, rau muống; dầu cọ,... Các vitamin nhóm B lại có nhiều trong các loại ngũ cốc chưa chế biến, các loại đậu, trứng, rau và các loại hạt... Vitamin C thường tìm thấy nhiều trong các loại trái cây tươi hoặc trong các loại rau. Những khoáng tố như kẽm với vai trò chuyển hóa chất lại có nhiều trong các loạt hải sản như tôm, sò, cua, hàu cùng với đó là các loại cá và hạt. Sắt, nguyên liệu tạo máu và giúp hình thành cấu trúc hệ thần kinh lại có nhiều trong thịt, cá và gan động vật.
Chất béo vốn không thể thiếu trong việc tạo nên các tế bào thần kinh và tăng năng lượng cho cơ thể đều từ các loại dầu thực vật, dầu cá, mỡ, bơ…Nếu trong bữa ăn của trẻ thiếu đi chất béo, cơ thể trẻ sẽ kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong dầu cá có các chất omega 3 và omega 6 chứa DHA, một dưỡng chất giúp não bộ phát triển.