Nếu muốn phạt con một cách khoa học, vừa giúp con hiểu được lỗi sai, vừa không làm tổn thương tinh thần và lòng tự trọng của trẻ, cha mẹ hãy tuân thủ những cách dưới đây:
1. Không phạt nếu con không có ý định xấu
Trong nhiều tình huống, trẻ em không định làm hại bất cứ ai mà chỉ là muốn khám phá mọi thứ. Và khi một đứa trẻ đang cố gắng học hỏi, chúng nên được hỗ trợ ngay cả khi hành động dẫn đến những điều tồi tệ. Lúc này, nhiệm vụ của bạn là thông cảm và cho con biết cần làm gì để khắc phục tình hình. Nếu áp dụng hình phạt vì một tai nạn nào đó, cha mẹ có thể khiến con trở thành người thiếu quyết đoán và khi trưởng thành sẽ không thể đưa ra quyết định của riêng mình và là người vô trách nhiệm.
2. Gợi ý và yêu cầu là những điều khác nhau
Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng giáo dục truyền thống là đúng bởi họ cũng được cha mẹ mình giáo dục theo cách tương tự. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng có sự khác biệt rất lớn giữa hai cách nói: "Có lẽ con không nên chơi game!" và "Không được chơi game!". Cách đầu tiên là gợi ý còn cách thứ hai là mệnh lệnh, yêu cầu. Bạn chỉ nên phạt con khi đã đưa ra mệnh lệnh mà chúng không thực hiện.
3. Việc phạt con không nên có yếu tố cảm xúc trong đó
Khi con không vâng lời, một số cha mẹ không kiểm soát được hành động, cảm xúc và có thể phạt con trong khi giận dữ. Việc giận dữ rồi la hét, mắng mỏ con có thể khiến chúng gặp một số vấn đề trong tương lai như bị phụ thuộc vào những người có địa vị cao trong xã hội.
4. Không phạt con công khai
Việc bạn phạt con ở chỗ đông người, nơi công cộng khiến trẻ xấu hổ và tức giận. Chúng sẽ luôn cảm thấy nhục nhã và không muốn tình huống này lặp lại. Và đến khi trưởng thành, những đứa trẻ có thể trở thành người hoàn toàn dựa vào ý kiến của đa số vì không thể tự đưa ra quyết định. Tương tự, các nhà tâm lý học cũng khuyên bạn không nên khen thưởng con quá mức ở nơi công cộng bởi chúng có thể trở nên quá kiêu ngạo.
5. Nếu bạn đã dọa phạt con thì bạn nên thực hiện
Nếu đã nói sẽ phạt con, bạn nên làm điều đó vì việc bạn thất hứa còn tồi tệ hơn nhiều việc đưa ra hình phạt. Khi bạn nói mà không làm, trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra và không còn e ngại gì mỗi khi nghe bạn mắng mỏ, dọa nạt.
6. Không biết lỗi thuộc về đứa trẻ nào, hãy phạt tất cả
Nếu không chắc chắn đứa trẻ nào có lỗi, bạn không nên phạt một trong số chúng. Trong tình huống con bạn đang chơi cùng một người bạn, cha mẹ không nên chỉ trích những đứa trẻ khác. Khi chúng ở với anh chị và làm những điều đáng bị phạt thì tất cả nên bị phạt. Nếu không làm như vậy, người bạn phạt sẽ bị thiệt thòi, có thể trở thành "vật tế thần" trong tương lai. Và những đứa trẻ khác sẽ ý thức được chúng có khả năng thoát hiểm trước mọi lỗi lầm gây ra. Điều này không có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống tương lai của chúng.
7. Trẻ chỉ bị phạt bởi những sai trái ở hiện tại chứ không phải quá khứ
Một trong những quy tắc quan trọng của việc nuôi dạy trẻ là "trừng phạt - tha thứ - lãng quên". Đứa trẻ liên tục bị trừng phạt vì những sai lầm trong quá khứ không thể trở thành một người mạnh mẽ. Hơn nữa, điều đó còn khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học hỏi từ chính sai lầm của chúng. Việc cha mẹ nên làm khi phát hiện ra điều gì tồi tệ con làm sau một thời gian dài chỉ đơn giản là giải thích để con hiểu và không tái phạm ở những lần sau.
8. Hình phạt phải phù hợp với độ tuổi và sở thích của con
Không nên đưa ra hình phạt giống nhau khi con bị điểm kém và khi làm vỡ kính cửa sổ. Phạt nhẹ nhàng với những lỗi nhỏ và nặng hơn khi con làm sai điều gì đó lớn. Ngoài ra, bạn nên tính đến độ tuổi và sở thích của con. Nếu trẻ thích dùng mạng xã hội, việc giới hạn thời gian sử dụng của chúng là một hình phạt tốt. Và nếu không, bạn nên nghĩ ra một cách khác phù hợp hơn.
9. Không sử dụng từ ngữ xúc phạm con
Khi tức giận, nhiều phụ huynh không chú ý đến việc dùng từ ngữ. Khi sử dụng những từ ngữ xúc phạm, trẻ nhạy cảm có thể có vấn đề với lòng tự trọng. Chúng có thể ghi nhớ những lần cha mẹ dùng từ ngữ xấu. Điều này nghiêm trọng hơn đối với con gái, vì vậy hãy cẩn thận với chúng.