1. Dạy trẻ cách ứng xử nơi trường lớp
Ngoài gia đình, trường học được xem là ngôi nhà thứ hai. Tại đây, trẻ thương xuyên tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, do đó cách dạy con cách cư xử sao cho đúng mực, “nhường bạn kính thầy” rất quan trọng. Nếu trẻ có cách ứng xử tốt, trẻ sẽ nhận được sự yêu mến của mọi thành viên trong ngôi nhà thứ hai này.
Để có được điều này, cha mẹ nên lưu ý những điều sau khi dạy trẻ về cách ứng xử:
- Không tự ti nhút nhát nhưng cũng không nên tự cao tự đại
- Không chê bai dè bỉu khuyết điểm của bạn bè
- Lễ độ với thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè
- Biết nói cảm ơn khi được bạn bè giúp đỡ
- Sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần thiết
2. Dạy trẻ cách ứng xử trong gia đình
Gia đình là môi trường cơ bản nhất và là nơi “tập sự” hoàn hảo nhất để cha mẹ dạy con ứng xử. Giai đoạn này, lời nói và hành động của cha mẹ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Một số nguyên tắc ứng xử trong gia đình cha mẹ nên dạy cho trẻ:
- Dạy con nói xin lỗi, cảm ơn đúng hoàn cảnh
- Biết gõ cửa khi muốn vào phòng ai đó
- Lịch sự, tôn trọng người khác, biết chào hỏi mọi người xung quanh
- Biết giúp đỡ bố, mẹ, anh chị em trong gia đình khi cần thiết (rửa chén, quét nhà, cho vật nuôi ăn, nhổ tóc bạc cho ông bà…)
- Không chen ngang khi thấy người lớn đang nói chuyện. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng hành động chen ngang này rất đáng chê trách bởi nó nói lên rằng con đang không biết tôn trọng và không biết lắng nghe
- Khi ăn cơm con cần mời người lớn hơn; khi muốn ăn thứ gì đó nên xin phép “Mẹ ơi, con ăn cái này nhé? Con ăn được không mẹ”…
- Không đổ lỗi cho người khác khi có việc không như ý xảy ra.
3. Dạy trẻ ứng xử văn minh nơi công cộng
Đây là điều cực kỳ quan trọng không chỉ với trẻ con mà cả với người lớn. Ở độ tuổi tiểu học, trẻ đã có nhiều cơ hội đi ra khỏi không gian hạn hẹp trong gia đình để khám phá thế giới bao la. Để trẻ trở thành người văn minh trong một xã hội hiện đại, cha mẹ nên dạy con ứng xử ngay từ bây giờ.
Một số nơi trẻ thường đến như phương tiện giao thông công cộng, công viên, rạp phim, quán ăn, nhà hàng… Vì vậy, phụ huynh nên lưu ý đến những điều sau.
Những điều trẻ không nên làm
- Không tự ý sử dụng đồ của người khác. Ví dụ đồ chơi hay thức ăn của trẻ khác
- Tuân theo các bảng hướng dẫn/quy định.
- Không mè nheo, giành giật, đuổi bắt lẫn nhau ở ngoài đường
- Không cười nói to, bồ bã khi đến nơi công cộng có không gian yên tĩnh
- Chỉ trỏ, bình phẩm ai đó
Những điều trẻ nên được dạy
- Mang quần áo nghiêm chỉnh lịch sự khi đến những nơi có tính chất tôn nghiêm hay trang trọng như nhà thờ, chùa chiền, đền thánh, các buổi lễ…
- Bỏ rác đúng nơi quy định. Vấn đề này trẻ thường mắc phải nhất nên phụ huynh cần tuyệt đối nghiêm khắc trong quá trình rèn luyện cho trẻ. Sau khi trẻ ăn uống xong, hãy hướng dẫn trẻ mang rác đến thùng bỏ vào.
- Nên nhường ghế cho cụ già, trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai trên các chuyến xe công cộng bất cứ khi nào có thể
- Biết trật tự xếp hàng chờ đến lượt
4. Một số nguyên tắc dành cho cha mẹ khi dạy trẻ ứng xử
Trong việc nuôi dạy con cái, nếu cứng nhắc trẻ sẽ khó có thể tiếp thu thậm chí phản tác dụng. Do đó, khi dạy trẻ cách cư xử, cha mẹ cũng nên đưa ra những nguyên tắc rõ ràng cho trẻ hay cho chính cha mẹ. Chỉ có như vậy trẻ mới “tâm phục” làm theo. Những nguyên tắc cơ bản đó là:
Nói rõ về nguyên tắc và điều bạn mong đợi
Bất cứ khi nào bạn muốn con làm điều gì hãy nói rõ lý do và mục đích bạn muốn. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy nói cho trẻ hiểu rằng đích cuối cùng mà cha mẹ hướng đến là mong con trở thành người cư xử văn minh, lịch sự trong mọi hoàn cảnh.
Cha mẹ phải làm gương cho con
Nguyên tắc này luôn đúng trong mọi vấn đề. Nếu muốn con làm điều gì, cha mẹ hay người lớn trong gia đình hãy làm điều đó trước. Đừng nghĩ con nít không biết gì, chúng là những “thánh soi” mà nhiều khi cha mẹ không biết đấy.
Tỏ rõ thái độ kiên quyết và đồng thuận
Đừng vì cảm thấy con “tội tội” mà vi phạm vào chính quy tắc mà mình đề ra cho trẻ. Kiên quyết tỏ rõ thái độ không đồng tình với hành động sai của con. Nếu trẻ phản ứng bằng cách quấy khóc, giận dữ, cha mẹ nên chờ cho con bình tĩnh, nói rõ hình phạt mà con sẽ phải chịu khi vi phạm. Một, hai lần như vậy trẻ sẽ nghiệm ra rằng cha mẹ không nói đùa.
Thường xuyên khuyến khích trẻ
Trẻ nhỏ tuổi thường mau nhớ nhưng cũng chóng quên. Do đó, tùy vào hoàn cảnh, cha mẹ có thể nhắc nhở con hành xử sao cho phải phép. Có vậy con mới có thêm bạn mới, thêm nhiều niềm vui.
Nghiêm khắc trong yêu thương
Khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy lấy khăn lau sạch những giọt nước mắt, nước mũi đang còn tèm lem trên khuôn mặt, pha cho con ly nước cam sau khi con đã khóc lóc khàn cả cổ, nấu cho con món ăn mà con yêu thích… Chỉ có yêu thương mới vực dậy những cảm giác tiêu cực, “oan ức” vẫn còn ít nhiều đang chất chứa trong lòng con.
Kiên quyết với những gì con làm không đúng nhưng trên hết bố mẹ vẫn nên thể hiện tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của mình. Sau mỗi lần con bị phạt do phạm phải lỗi lầm cha mẹ nên giang rộng cánh tay đón con vào lòng, ôm con và xoa dịu những ấm ức trong con bằng những hành động quan tâm cụ thể.