1. Tại sao nên dạy trẻ sự tự tin?
Tự tin có nghĩa là gì? Tự tin là hoàn toàn hiểu và tin tưởng vào bản thân, là nhận thức được khả năng của mình và phát huy nó. Đồng thời điều chỉnh được những điểm yếu kém của mình để hoàn chỉnh hơn về tính cách, con người.
Những biểu hiện sự tự tin nơi trẻ người lớn có thể dễ dàng nhận thấy:
- Thích đặt câu hỏi
- Thích chơi đùa cùng bạn bè
- Thích hát hoặc biểu diễn trước đám đông
- Thích dơ tay phát biểu trước lớp
- Khi chưa hiểu bài trẻ sẵn sàng hỏi lại cô giáo hay bạn bè
- Thích làm chủ các cuộc chơi với bạn bè…
- Thích kể chuyện với cha mẹ
- Đối lập với tự tin là tính tự ti nhút nhát. Khi trẻ thiếu tự tin, trẻ sẽ khó khăn để hòa nhập với môi trường cộng đồng hoặc không có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân.
Vì vậy, một trong những điều quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ đó là dạy con sự tự tin. Và đóng vai trò lớn nhất không ai khác chính là cha mẹ.
2. Lợi ích của sự tự tin đối với trẻ
Theo nghiên cứu khoa học, trẻ có sự tin cao sẽ dễ tiếp thu những kỹ năng, dễ dàng truyền – nhận được nguồn năng lượng tích cực với người khác. Khi lớn lên, trẻ có xu hướng theo các nghề nghiệp có tính chất hướng ngoại như nghệ thuật, hướng dẫn viên, nhà xã hội học, truyền thông, đối ngoại, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh… hoặc có khả năng lãnh đạo.
Cũng như người lớn, trẻ tự tin thường không mấy ghen tỵ với thành công của người khác. Ngược lại, khi thấy những người giỏi hơn mình về mặt nào đó, người tự tin thường có xu hướng tích cực. Cảm thấy ngưỡng mộ, muốn tạo quan hệ để có cơ hội học hỏi người đó. Điều này giúp cho trẻ luôn phấn đấu để tốt hơn mỗi ngày.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi trưởng thành, sự tự tin còn giúp con dễ dàng thực hiện được mong muốn của mình hơn so với những người tự ti, nhút nhát. Chúng biết rõ bản thân mình có những mặt ưu thế cũng như điểm yếu nào cần cải thiện. Chủ động trong mọi việc, thuộc tuýp người dám nghĩ dám làm, độc lập tự chủ.
3. Cha mẹ nên làm gì để dạy trẻ sự tự tin?
Chính vì những lợi ích trên, ngay khi con còn nhỏ cha mẹ nên chú ý đến việc rèn luyện tính cách này cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý đến ranh giới của tự tin và tự cao, tự đại để tìm ra hướng đi đúng cho con trẻ.
Thường xuyên khích lệ con trẻ
Theo các nhà khoa học, nếu trẻ được động viên kịp thời, sự tự tin sẽ nhanh chóng hình thành nơi trẻ.
Cha mẹ nên chú ý đến ưu điểm của con và luôn nói về những điều đó với một sự hào hứng nhằm khích lệ con tiếp tục phát huy tố chất của mình. Ví dụ, hôm trước mẹ nghe cô giáo khen con hát rất hay trước lớp/ rất mạnh dạn phát biểu/ học có tiến bộ/rất hăng hái tham gia các phong trào của lớp… con hãy lặp lại điều đó thường xuyên nhé!
Dạy trẻ làm việc nhà
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ làm những việc mà ngay cả bạn cũng nghĩ trẻ không thể. Ví dụ: lau nhà sạch trong vòng 15 phút, dọn dẹp phòng, tự làm một món đồ chơi cho mình… Khi con thực hiện xong những công việc này, dù kết quả như thế nào, cha mẹ cũng nên có lời khen ngợi, biểu dương. Có vậy trẻ mới háo hức muốn thể hiện mình nhiều lần hơn thế.
Dạy trẻ sự quyết tâm, kiên trì
Rèn luyện cho trẻ hình thành suy nghĩ tích cực trong đầu rằng “tôi nhất định sẽ làm được/ mình sẽ làm được mà/ việc này không có gì là khó khăn cả/…”. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ rằng “thất bại là mẹ của thành công”. Nếu lần đầu con chưa thực hiện được, thì làm lại lần 2, lần 3. Cách này cũng giúp rèn luyện tính kiên trì ở trẻ.
Dạy trẻ biết cách tiếp nhận những lời khen chê
Với những lời khen ngợi, tiếp nhận để làm động lực cố gắng thêm nữa chứ đừng vì thế mà tự cao với thành tích của mình. Ngược lại, với những lời chê, con cần phải xem xét có đúng với mình. Nếu không nhận ra được điều này, hãy bày tỏ với cha mẹ, thầy cô để có được lời khuyên đúng đắn, tránh những suy nghĩ tiêu cực, bi quan.
Đó có thể là thầy cô giáo, bạn bè hay giám khảo trong cuộc thi mà con tham gia. Cha mẹ hãy rèn luyện cho trẻ kỹ năng lắng nghe, nghĩa là biết cách lắng nghe người khác nhận xét và hiểu được lời nhận xét nào là phù hợp với mình.
Hãy dạy trẻ hiểu rằng tự tin chính là yếu tố để thành công
Chẳng hạn khi con chần chừ chưa dám đăng ký một cuộc thi nào đó (văn nghệ, tiếng anh ngoại khóa…) cha mẹ có thể nói với trẻ rằng: Hãy coi như đây chỉ là một cuộc chơi thôi, nếu không đạt giải cũng không sao cả. Chỉ cần tự tin con sẽ làm được…
Dạy trẻ biết đặt mục tiêu phù hợp khả năng của mình
Khi con bắt đầu chơi môn bóng rổ, mục tiêu của con là thi đấu giải quốc gia rồi vươn xa quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi đội tuyển bóng rổ của lớp được thành lập, con cũng không được chọn thì bạn nên khuyên con hãy thực tế hơn. Bởi chấp nhận thực tế sẽ giúp con tránh được nỗi buồn của sự thất bại.
4. Những điều cha mẹ cần lưu ý khi dạy trẻ sự tự tin
- Không nên so sánh trẻ với bất kỳ ai.
- Rèn luyện sự tự tin ngay khi con bước vào lứa tuổi mẫu giáo chứ không cần đợi khi trẻ đã lớn
- Phụ huynh nên dạy trẻ để ý đến vẻ bên ngoài như trang phục, tóc tai và phong thái… bởi vẻ ngoài cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự tự tin của một người.
- Dạy con phân biệt tự tin với tự kiêu, tự cao tự đại. Nếu như tự tin là mặt tích cực thì tự kiêu tự cao tự đại là tiêu cực, gây ra nhiều “tai hại”. Vì vậy nếu tự tin thái quá vào bản thân mình về những điều mình không có dễ dẫn đến ảo tưởng – căn bệnh trầm kha của nhiều người trẻ hiện nay.