1. Rèn luyện cho trẻ khả năng nghe nhạc
Nếu như những yếu tố hợp thành của âm nhạc là âm điệu, âm tiết và âm sắc thì với ngôn ngữ các yếu tố tác động trực tiếp chính là thị giác, thính giác. Hai yếu tố này góp phần kích thích não bộ của trẻ, tạo tiền đề cho sự phát triển ngôn ngữ.
Vì thế, cho trẻ nghe nhạc thường xuyên cũng chính là cách giúp trẻ rèn luyện khả năng nghe, cảm nhận và phát âm cho trẻ.
2. Thường xuyên cho trẻ ra ngoài và nhìn nhiều hơn
Kể từ lúc trẻ biết đi mẹ đã hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp cơ bản trong phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Kỹ năng này giúp trẻ trau dồi từ vựng, óc quan sát, khả năng nghe nhìn của con.
Mẹ có thể để con tự do chạy nhảy và khám phá, sau đó hỏi xem con đã quan sát và thấy được những gì. Cứ thế, trong cuộc sống mẹ hãy luôn đóng vai cô giáo, chỉ cho con mọi thứ. Chỉ cần cha mẹ để tâm lưu ý, nghe và nói cùng trẻ, trẻ sẽ nhanh chóng có được vốn từ phong phú.
Dắt trẻ đi đến những nơi có bầu không khí trong lành, nhiều cây xanh như công viên, khu vui chơi… không chỉ giúp trẻ được hòa nhập với thiên nhiên mà còn là cơ hội mẹ giới thiệu đến con những điều mới mẻ.
3. Hãy trò chuyện với trẻ thật nhiều
Kết quả một nghiên cứu cho thấy, trẻ càng tham gia trò chuyện với người lớn thì vốn từ của chúng càng nhiều và rộng. Vốn từ của chúng càng rộng ở tuổi mẫu giáo thì chúng càng đọc hiểu tốt hơn.
Đây là cách đơn giản, dễ áp dụng nhưng nhiều cha mẹ vì quá bận bịu nên quên mất. Nói chuyện với trẻ như hai người bạn hay có khi cha mẹ lại đóng vai thầy cô để giảng giải cho con những điều con chưa biết. Mỗi ngày, cha mẹ nên nói chuyện cùng trẻ bất cứ khi nào có thể, trong lúc ăn, khi tắm cho trẻ…
Thực hành cho trẻ những câu hỏi như vậy sẽ dạy cho trẻ cách hồi tưởng những điều đã diễn ra, cố gắng tư duy từ ngữ để nói cho cha mẹ biết những gì trẻ đã làm trong ngày hôm nay. Thói quen này nếu được “tạo tiền đề tốt”, khi lớn hơn trẻ sẽ quen với việc tâm sự mọi chuyện xảy ra với mẹ, vì thế mẹ sẽ hiểu và luôn song hành cùng con vượt qua mọi thử thách.
Ngoài ra, trong mỗi cuộc nói chuyện, cha mẹ cũng nên đưa ra cho trẻ những câu hỏi đơn giản để trẻ có thể dễ dàng trả lời. Ví dụ như khi đi làm về, cha mẹ hãy hỏi trẻ: “Hôm nay con ở nhà có nghe lời bà không, con đã làm những gì, hãy kể cho mẹ nghe nhé!”…
4. Đọc thơ và hát đồng dao cùng trẻ
Một trong những phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non là tập cho trẻ hát những bài hát hay những câu thơ ngắn gọn nhưng vần điệu, dễ thuộc. Trẻ độ tuổi này thích ca hát và thuộc bài rất nhanh. Những câu từ trong hai loại hình văn học này lại dân dã, gần gũi khiến trẻ càng dễ tiếp thu và dễ vận dụng.
Bài hát đồng dao và bài thơ mẹ có thể tham khảo: Dung dăng dung dẻ/ dắt trẻ đi chơi/ Đến ngõ nhà trời/ Lạy cậu lạy mẹ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp.
Mèo hoa nhỏ xíu/ Đã có râu ria/ Mèo cứ ngồi kia/ Meo meo kêu mẹ/ Ăn thì ăn khỏe/ Mà lại ham chơi/ Bạn nhỏ ta ơi/ Đừng như mèo nhé!
5. Đọc sách truyện và chơi cùng trẻ
Nếu như đọc sách truyện là cách mang đến cho con vốn ngôn ngữ sách vở thì vui chơi lại giúp trẻ biết giao tiếp theo cách tự nhiên, gần gũi, biểu lộ cảm xúc và tăng khả năng vận động. Thông qua mỗi trò chơi, trẻ sẽ phát huy trí tưởng tượng của mình và dùng ngôn ngữ đã học được để diễn đạt điều đó.
Đọc sách cùng trẻ chính là cách tốt nhất mang đến cho trẻ thế giới từ vựng phong phú và cách sử dụng từ ngữ phù hợp với ngữ cảnh. Những câu chuyện cảm động, nhẹ nhàng, gần gũi sẽ kích thích khả năng tư duy, tập tính kiên nhẫn và dạy cho trẻ về tình yêu thương. Sau mỗi câu chuyện, mẹ hãy hỏi bé những câu hỏi có liên quan đến nội dung, nhân vật… để giúp trẻ học cách ghi nhớ.
6. Vẽ và viết cũng là cách phát triển ngôn ngữ cho trẻ
Những nét chữ hay nét vẽ nguyệch ngoạc chính là cách mà con học được từ người lớn và tưởng tượng ra theo trí nhớ của chúng. Do vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ làm điều này bằng cách chơi cùng con. Dạy con cách vẽ những nét đơn giản, cách cầm viết sao cho đúng, nói ra những thứ con muốn vẽ… để từ đó kích thích sự sáng tạo và phát triển khả năng ngôn ngữ, miêu tả sự vật (con đang muốn vẽ) ở trẻ.