Có lẽ trong kí ức của bất cứ ai đã-từng-là-trẻ-con, không khó để tìm thấy những vùng rất tối của những sợ hãi mơ hồ, những ấm ức, ngột ngạt và cả những tức tối, tự ti,... - chúng đeo bám dai dẳng, "cắm rễ" trong tâm hồn những đứa trẻ đã lớn đến mức để quên đi cũng là điều rất khó. Những "vùng tối" của cảm xúc ấy, đôi khi bắt nguồn từ những câu nói rất "vô tư" nhưng vô tình của người lớn để rồi gây nên những tổn thương sâu sắc mãi về sau.
Có khi, người lớn "bao biện" rằng họ chỉ đùa thôi, rằng "trẻ con biết gì, vài hôm lại quên hết". Thế nhưng, nhớ mà xem, có mấy ai trong chúng ta - những đứa trẻ con của ngày xưa - mà không bị ám ảnh với những "má mì" chuyên bắt trẻ con mang tên "ông Ba Bồ, Ba Bị", bởi chuyện "con ăn quả mà nuốt phải hạt thì nó sẽ mọc cây trong bụng, rồi chui lên đầu"; nhất là không ít đứa trẻ ở nông thôn đã bất đắc dĩ trở thành "con ông thuyền chài", trong khi những em bé lớn lên ở thành phố cũng không ít lần nước mắt ngắn nước mắt dài khi nghe mẹ tủm tỉm: "À, mẹ nhặt mày ở... trong thùng rác về nuôi",...
Người lớn cứ luôn nghĩ rằng trẻ con thì "chưa biết gì đâu", hoặc có biết thì cũng vài hôm là quên sạch, rằng chúng rất vô tư nên cứ thoải mái đùa giỡn, dọa nạt chỉ để chúng biết ngoan ngoãn mà nghe lời, để "trừng phạt" bọn trẻ khi chúng hư hay đôi khi chỉ là "đùa cho vui miệng". Vô tình, họ đã để lại trong kí ức những đứa trẻ một phần "xấu xí". Để rồi khi lớn lên, chính "những đứa trẻ giờ-đã-lớn" đó lại "trùm" những mảng tối màu của kí ức lên con cái mình, lên những đứa trẻ khác...
- Ơ, con bé này sao chẳng giống bố mẹ gì hết vậy, chắc là con ông thuyền chài rồi!!!
- Quần áo gì mà lôi thôi lếch thếch thế hả? Chắc con bà nhặt rác!
- Bố mẹ nhặt mày ở chợ về nuôi, không ngoan là mai mẹ đem trả cho ông trông chợ đấy!
- Đi ngủ ngay, không ông Ù ngoài kia bắt bây giờ.
- Còn khóc là mẹ ném vào thùng rác đấy.
- Trong tủ có con chuột chí đấy, mẹ sợ lắm!
Chỉ có bọn trẻ là rõ nhất, rằng chúng đã sợ hãi, đã tủi thân đến mức nào khi nghe điều đó. Trẻ con bao giờ cũng thế, vì còn non nớt nên luôn cần được quan tâm, yêu thương và bao bọc bởi bố mẹ chúng. Vậy thì có gì tệ hơn khi chính bố mẹ lại "rũ bỏ, phủ nhận", lại đòi "đem trả" chúng cho người khác - những bà nhặt rác, ông thuyền chài,... hoàn toàn xa lạ. Tệ hơn nữa, chúng sẽ thấy bản thân mình bơ vơ, hụt hẫng, không biết dựa vào ai và chẳng khác gì một thứ đồ vật vướng víu, đáng ghét mà bố mẹ có thể "trả lại" cho người khác bất cứ lúc nào. Cảm giác ấy, nặng nề và khủng khiếp vô cùng...
- Có ăn nhanh lên không bố gọi chú Công an/cảnh sát vào bắt đi bây giờ?!
- Alo, bác sĩ hả, đến tiêm cho thằng con tôi với, bác sĩ nhớ mang kim tiêm to vào nhé vì nó hư lắm, không chịu uống thuốc!
- Bác bảo vệ lên mà xem này, nó không chịu ăn này bác này!
-....
Có thể con sẽ vội vã nuốt cơm, nhắm mắt để cố nuốt viên thuốc,... nhưng thử hỏi, miếng cơm con ăn còn ngon không, viên thuốc đã đắng lại càng thêm đắng đó giúp con khỏe lại hay tiếp tục gây ra tổn thương khác - tổn thương khó chữa lành ở tâm hồn chúng?
- Mẹ chết đây, mẹ không muốn sống với con nữa!
Đừng nghĩ rằng con sẽ khóc thét lên vì sợ hãi rồi sau đó mẹ nói gì cũng nghe, không dám hư, không dám khóc,... Chuyện sự sống - cái chết không bao giờ nên mang ra làm trò đùa; nhất là khi đem ra để "lợi dụng" tình cảm chân thật và non nớt của con. Bởi vì có đứa trẻ nào mà không sợ mất cha, mất mẹ? Nhưng tệ nhất là nếu câu nói đó cứ lặp đi lặp lại, có ngày mẹ sẽ làm chính mình tổn thương nếu phải nghe con thắc mắc "sao mẹ nói mãi mà mẹ không chết?". Trong khi lẽ ra chúng ta nên dạy con trẻ biết coi trọng sự sống, coi trọng sinh mạng của mình và người khác thay vì "tiêm nhiễm" vào đầu chúng rằng sống-chết chỉ là trò đùa!
Và, "Có em bé rồi thì con/cháu sẽ 'ra rìa' sớm thôi" - đây có lẽ là câu "đùa" khiến nhiều đứa trẻ "ám ảnh" nhất. Với trẻ con, chẳng có gì quý giá hơn những yêu thương, quan tâm của bố mẹ; nên ai cũng biết chúng sẽ cảm thấy thế nào nếu mất đi điều quan trọng đó, và chúng sẽ đối xử ra sao với "kẻ cướp hạnh phúc" của mình. Đùa giỡn với con trẻ như vậy, ta vui được bao nhiêu? Nó có xứng đáng với mất mát mà những đứa trẻ phải chịu?
Câu chuyện cô bé ném cậu em trai xuống đất đến tử vong vì sợ 'ra rìa' cho thấy 1 phần phần hậu quả nghiêm trọng của việc "đùa" một cách vô tình (hay ác ý) của rất nhiều người. Họ - đôi khi cứ lầm tưởng rằng trẻ con chưa nhận thức được nên chúng sẽ nhanh chóng quên. Thế nhưng, sự thật là tuy nhận thức của trẻ còn "non nớt", nhưng tiềm thức của chúng lại đang là khoảng thời gian phát triển mạnh và mọi thứ chúng ta làm với con trẻ lúc này sẽ dễ đi vào tiềm thức của chúng nhất. Hiển nhiên, những điều không mấy tốt đẹp nếu người lớn cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày cũng sẽ ăn sâu vào tiềm thức, "bén rễ" và chai sạn trong đầu óc trẻ nhỏ, thậm chí trở thành những cái gai hằn học, căm ghét, sợ hãi, tự ti, dè dặt và cảnh giác với mọi thứ xung quanh,... về sau này, để rồi có thể kéo lệch, làm méo mó những suy nghĩ bình thường của con.
Vậy thì người lớn, ngay cả muốn nói đùa câu gì thì hãy nghĩ thật lâu trước nhé, nhất là đối với con trẻ vì hậu quả sẽ không lường được đâu!