1. Nguyên nhân trẻ không lễ phép
Xét từ góc độ trưởng thành thì đây là một quá trình mà trẻ phải trải qua, tuy khả năng diễn đạt của trẻ đã có nhiều cải thiện nhưng không có nghĩa là các bé có thể hoàn toàn nắm vững những kiến thức sử dụng ngôn ngữ, phải mất rất nhiều thời gian thì bé mới học được: trong ngữ cảnh nào phải nói ra sao, nói thế nào thì người nghe mới dễ dàng chấp nhận. Đó cũng là lí do vì sao “lời nói của con trẻ không biết kiêng nể ai”, các bé chỉ biết nói ra suy nghĩ của mình chứ không hề biết “giữ ý giữ tứ”, điều này lại hoàn toàn khác với người lớn.
Tạm thời chúng ta không bàn đến chuyện lời nói của trẻ có ảnh hưởng đến người lớn như thế nào, trong độ tuổi từ 3 – 6 tuổi, trẻ nói chuyện thường không biết giữ “chừng mực”, chưa biết cân nhắc, những lúc nhà có khách bé thường nói năng không có lễ độ, có nhiều lúc còn trực tiếp chỉ ra khuyết điểm của người lớn, khi tranh cãi với cha mẹ, bé có thể quên “thân phận” của mình và nói những lời vô lễ. Vậy cha mẹ nên dạy bé “kính già yêu trẻ” hay để bé tự do phát triển cá tính của mình? Đây không phải là hai điều mâu thuẫn nhau nên sẽ không khiến cha mẹ bị lẫn lộn, khó xử. Chúng ta hãy cùng phân tích một chút về thái độ “không biết phân biệt trên dưới” của trẻ.
Hơn nữa, có những điều trẻ con nói ra lại khiến cho người lớn thấy khó xử nên mới thấy “bất mãn” với bé. Điều này thường xảy ra khi bé “mau mồn mau miệng”, chỉ biết nói thẳng nói thật chứ chưa kịp suy nghĩ cân nhắc. Tóm lại, đây là một giai đoạn phát triển bắt buộc của trẻ, và người lớn nên có thái độ khoan dung, sau đó hướng dẫn, uốn nắn dần cho bé chứ không nên liên hệ tới vấn đề đạo đức.
Có những lúc, trẻ có quan điểm khác với người lớn và vì thế, cũng có biểu hiện “khiêu khích”, khiến cho cha mẹ rất tức giận. Lúc đó cha mẹ thường nghĩ: “Con cái không nghe lời cha mẹ tức là đã phạm tội bất hiếu!”. Nếu như nhìn từ góc độ khác, thì cha mẹ sẽ nhận ra rằng nguyên nhân dần đến thái độ này của trẻ không đơn thuần chỉ là vấn đề đạo đức. Điều đó cũng có nghĩa, trong tình huống này, việc xây dựng quan hệ gia đình thân thiết còn quan trọng hơn việc bắt trẻ phải cư xử đúng phép tắc.
Ngoài ra, có nhiều phụ huynh dạy con không nghiêm, thường chiều chuộng khiến trẻ trở nên ngang bướng, trong gia đình “trên bảo dưới không nghe”, cha mẹ bị lép vế. Khi đó, cha mẹ nên tự hỏi bản thân mình xem nguyên nhân gì khiến trẻ “không biết trên dưới” và phải giải quyết thế nào.
Có những lúc trẻ muốn thách thức uy quyền của người lớn, ví dụ như chỉ ra lỗi sai của người lớn, đó là vì tư duy của trẻ rất nhanh nhạy nên chưa quen với nề nếp, quy tắc. Trong tình huống này, người lớn nên khuyến khích hành động đó, vì nó giúp phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ. Nếu như người lớn luôn coi hành động của trẻ là vô lễ, ép bé phải tỏ ra lễ phép, phục tùng người lớn, thì sẽ làm mất đi dũng khí thách thức với uy quyền của trẻ, bé sẽ không thể đột phá và sáng tạo. Trong trường hợp này, không nên nghĩ, bé không coi ai ra gì và vô lễ với người lớn.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ không lễ phép?
2.1 Dạy trẻ cách diễn đạt phù hợp
Khi bé có hành vi và lời nói không lễ độ, cha mẹ có thể hướng dẫn bé cách biểu đạt suy nghĩ của mình một cách lễ phép, lịch sự. Tất nhiên, cha mẹ không nên bắt ép bé làm theo ý mình mà trước tiên hãy lắng nghe ý kiến chủ quan của bé.
2.2 Tôn trọng và bình đẳng
Nếu như cha mẹ và bé có thể xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng với nhau thì tình trạng “không biết phép tắc” cũng không thể xảy ra. Cha mẹ tôn trọng bé thì tất nhiên, bé cũng sẽ tôn trọng cha mẹ. Nếu như trẻ được sống và phát triển trong một môi trường bình đẳng, thân thiện thì không cần cha mẹ phải nhắc nhở, bé cũng sẽ biết phải “kính già yêu trẻ” như thế nào.
Nhưng nếu như người lớn không tôn trọng trẻ, coi bé là vật thuộc quyền sở hữu của mình hay nghĩ rằng bé còn nhỏ, không cần thiết phải được tôn trọng thì tất nhiên bé sẽ không biết tôn trọng người lớn. Nếu cha mẹ hay đánh mắng con cái thì khi bé còn nhỏ có lẽ sẽ không dám phản kháng nhưng chắc chắn khi lớn lên rồi, bé sẽ đối xử với người khác tương tự như vậy.
2.3 Chú trọng giáo dục cảm xúc cho trẻ
Nếu cha mẹ chỉ chú trọng “dạy chữ” cho bé, có lẽ hoạt động hàng ngày cũng chỉ liên quan tới mục tiêu này, còn những phương diện khác như: “dạy làm người”, giáo dục cảm xúc… đều không được cha mẹ để tâm đến. Những ông bố bà mẹ này thường cho rằng “chỉ cần học giỏi là được”. Với suy nghĩ ấy, cha mẹ sẽ không quan tâm tới những vấn đề xem qua thì có vẻ không quan trọng nhưng thực tế lại rất cần được tiến hành kịp thời, trong đó bao gồm cả việc giáo dục cảm xúc. Cảm xúc tốt hay xấu không chỉ liên quan tới việc giao tiếp, cư xử với người khác mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện như: thái độ học tập, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực khắc phục khó khăn và cả khả năng kiềm chế cảm xúc… đồng thời cũng ảnh hưởng đến học tập, công việc, cuộc sống của trẻ.
Những hành vi của bé không thể hình thành trong một sớm một chiều, mỗi vấn đề của trẻ đều cho thấy mức độ quan tâm dạy dỗ con cái của cha mẹ. Bé có những hành vi không chừng mực, có những lúc không chỉ là vấn đề về phát ngôn mà nghiêm trọng hơn, trẻ thiếu sự dạy bảo về phép lịch sự và lễ độ. Thái độ lịch sự và lễ phép không chỉ dừng lại ở việc nói năng mà còn thể hiện ở việc bé có biết khoan dung, thông cảm, biết ơn người khác hay không.
Tu dưỡng đạo đức luôn quan trọng và cần thiết hơn học tập kĩ năng sống rất nhiều. Những giá trị truyền thống của dân tộc luôn đáng để thế hệ sau học hỏi, phụ huynh có thể sắp xếp cho bé đọc hoặc giới thiệu cho bé những câu chuyện và kiến thức lịch sử lâu đời để vun đắp cho bé những giá trị đạo đức cao đẹp. Cũng có nhiều vị phụ huynh còn dùng những câu chuyện hay và cảm động để giáo dục đạo đức cho bé, hoặc cũng có thể thông qua những câu chuyện chân thực trong cuộc sống để bồi dưỡng tâm hồn và phẩm chất cao thượng cho trẻ. Bất luận là dùng phương pháp gì, cha mẹ cũng nên chú ý làm gương cho bé noi theo.
2.4 Tạm thời cách ly để bình tĩnh lại
Những lúc bé đang giận dữ và nói năng vô lễ thì cha mẹ có thể để bé một mình, đợi cho bé bình tĩnh thì dùng cách kể chuyện hoặc nhập vai để giải thích cho bé hiểu những lời nói của bé là không đúng mực, khiến cho người nghe rất khó chịu. Cha mẹ cũng không nên nổi giận, rồi sau khi đã hết bực tức lại không truy cứu chuyện cũ nữa, như vậy bé sẽ không biết đâu sai mà sửa.