1. Nguyên nhân trẻ tức giận vô cớ
Trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ bạn gặp không ít những đứa trẻ nổi nóng, cau có với cả chính cha mẹ của chúng. Nhìn từ góc độ tâm lý, hiện tượng trẻ hay nổi cáu, tức giận vô cớ là biểu hiện của ý chí mềm yếu, thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân.
Đặc điểm chung của những đứa trẻ này là thích gì là phải có ngay, muốn làm gì là phải thực hiện ngay bằng được. Nếu bị ngăn cản sẽ phản ứng lại bằng cảm xúc không mấy thiện cảm.
Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ tức giận vô cớ đến từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
Trẻ chưa sống trong cảnh nghèo khó
Với tâm lý nuôi con sao cho “bằng bạn bằng bè” nhiều cha mẹ luôn muốn con được hưởng những điều kiện vật chất, tinh thần tốt nhất. Những ông bố, bà mẹ này cho rằng những gì bạn có thì con cũng phải được để không thua bạn, kém bè. Họ chi tiêu rất nhiều tiền để mua cho con những thứ xa xỉ mà có thể chính đứa trẻ đó không cần đến. Bỗng dưng, hình thành ở trẻ tâm lý mình “giàu có” hơn người khác, tư tưởng tự cao tự đại vì thế mà phát sinh.
Hậu quả là, trẻ sẽ coi mình là “Vua” nên ở nhà không tuân theo sự nuôi dạy, uốn nắn của cha mẹ. Đến trường không nghe lời giáo dục của thầy cô. Hình ảnh một đứa trẻ ngỗ ngược, hay cáu giận vô cớ với tất cả những gì không theo ý muốn của chúng. Bạn bè vì thế cũng tránh xa.
Trẻ được nuông chiều thái quá
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, rất nhiều cha mẹ mắc phải “lỗi lầm” này. Bởi họ quan niệm, thương con là làm hết tất cả mọi thứ cho con được sung sướng, đủ đầy. Họ không yêu cầu con phải làm bất cứ việc gì, từ vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí (nếu được) thì cả chuyện học hành, họ cùng muốn dành hết về mình.
Trầm trọng hơn, suy nghĩ này hình thành nên bản tính ích kỷ của trẻ, không cần quan tâm đến cảm xúc suy nghĩ của người khác. Trẻ tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên mọi người phải theo, đáp ứng mọi mong muốn của chúng.
Con chỉ việc ăn và học, “cả thế giới này cứ để cha mẹ lo”. Chính tâm lý bảo bọc này đã nảy sinh cho đứa trẻ suy nghĩ chúng là “ông hoàng” trong mắt bố mẹ và mọi người. Từ đó chúng sẽ tự cho mình cái quyền muốn làm gì, thích gì là phải được nấy.
Chính điều này khiến trẻ bị hạn chế rất nhiều trong các mối quan hệ nơi trường học, xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện về nhân cách của trẻ.
Cha mẹ quá tự hào về con
Chính sự tự hào thái quá đã làm ảnh hưởng xấu đến trẻ, trẻ nghĩ mình đã quá tài giỏi, cái gì cũng làm bố mẹ vui nên không còn mong muốn tích lũy thêm tri thức. Điều này dễn đến hệ quả là trẻ không phân biệt được đúng sai, tự coi mình là trung tâm, dễ hình thành thói xấu. Trẻ tức giận vô cớ khi yêu cầu, mong muốn không được đáp ứng.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ tức giận vô cớ?
Những cách dạy trẻ bớt nóng tính được các chuyên gia giáo dục đưa ra để giúp bố mẹ sửa đổi kịp thời tính xấu này của trẻ, đó là:
Ôm trẻ thật chặt
Chính sự thương yêu sẽ giúp làm dịu đi những cơn nóng giận vô cớ ở trẻ. Lợi ích từ một cái ôm thật chặt của cha hay sự vỗ về của mẹ sẽ làm vơi bớt cảm giác sợ hãi mà con đang đối mặt. Bởi cha mẹ nên biết rằng sự giận dữ chính là cách để con che dấu cảm xúc yếu mềm đang tồn tại trong trẻ.
Đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ
Những khi trẻ có những biểu hiện tức giận, cha mẹ nên quan sát môi trường xung quanh, tìm cách làm chệch hướng sự chú ý của trẻ. Khi bị thu hút vào các sự vật mới hấp dẫn hơn trẻ sẽ dần nguôi đi những yêu cầu vô cớ trước đó của mình.
Áp dụng quy tắc thưởng phạt
Khi trẻ tức giận vô cớ cha mẹ nên nhắc nhở trẻ để thể hiện cho trẻ biết rằng bố mẹ hoàn toàn không bằng lòng với cách cư xử của trẻ. Nếu điều này vẫn tiếp tục diễn ra, cha mẹ nên có biện pháp cứng rắn hơn, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với trẻ. Những lúc trẻ bình tĩnh, cha mẹ nên nói chuyện, phân tích cho trẻ biết hành vi không đúng của trẻ.
Khi thấy trẻ có chút bước tiến, cha mẹ nên động viên, khích lệ kịp thời để trẻ có thể dần dần thay đổi tính cách, trở lại với bản tính tốt sơ khai của mình.
Áp dụng cách dạy trẻ làm việc nhà
Trong sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ cùng tham gia. Ví như, khi làm bếp mẹ hãy nhờ trẻ nhặt rau, vo gạo, rửa chén… cùng mình. Hay khi bố sửa sơn nhà cửa, nhờ trẻ giữ cho bố cái thang, chân ghế… Mọi công việc dù đơn giản này sẽ dạy cho trẻ về tính kiên nhẫn, sự sẻ chia, qua đó giảm dần tính khí nóng giận, ích kỷ của mình.
Bên cạnh đó, những hoạt động thể thao cả gia đình ngày cuối tuần như đi bộ, đạp xe… giúp trẻ rèn luyện thể lực, ý chí, tăng cường khả năng tự kiềm chế ở trẻ.
Tạo không khí gia đình yên bình
Cha mẹ chính là tấm gương để trẻ noi theo. Khi thấy người lớn xử lý mọi việc theo cách hòa nhã, bình tĩnh, con trẻ cũng sẽ học theo. Vì thế, tính cách của con sẽ dần được cải thiện theo chiều hướng tốt lên.