Nôn trớ ở trẻ nhỏ, khi nào được coi là bình thường?
- Nôn trớ là hiện tượng phổ biến trong những tuần đầu sau sinh, khi bé vừa ăn xong hay bé vặn người. Bé chớ ra sữa vón cục và điều này có thể làm bé sợ, khóc nhiều hơn.
- Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé trớ, từ việc đi xe ô tô đến rối loạn tiêu hoá, thậm chí khóc hay ho kéo dài cũng có thể kích thích phản xạ này. Và đây là lý do vì sao trẻ thường nôn trớ nhiều trong những năm đầu tiên sau khi chào đời.
- Nôn trớ thường tự hết sau 6 – 24 giờ mà không cần phải áp dụng bất kỳ cách điều trị đặc biệt nào.
- Miễn là bé vẫn khoẻ mạnh và tiếp tục lên cân thì bạn không cần phải lo lắng về hiện tượng này.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dễ bị nôn trớ
Hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh khá phổ biến, tuy nhiên lại ít bà mẹ biết nguyên nhân nào khiến trẻ bị nôn trớ như vậy.
Nguyên nhân nôn trớ thứ nhất: Thức ăn quá nhiều
- Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ hay bị nôn trớ chính là do thói quen ăn uống. Khi trẻ sơ sinh bú mẹ, phản xạ nuốt sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên do khoang miệng của trẻ nhỏ nên nếu lượng sữa quá nhiều sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình hô hấp. Bởi vậy nên phản ứng của cơ thể sẽ là nôn ra những gì trẻ vừa ăn được.
- Một điều khác nữa, đó chính là dạ dày của trẻ không lớn và chưa phát triển hoàn thiện, khi trẻ ăn quá nhiều, hoặc nằm ngửa khi ăn cũng có thể gây nôn trớ. Đối với những trẻ bú bình, lỗ trên núm vú quá nhỏ khiến trẻ phải dùng nhiều lực để hút cũng sẽ gây nôn trớ.
Nguyên nhân nôn trớ thứ 2: Nôn sinh lý
- Thực quản của trẻ sơ sinh tương đối ngắn, vì thế nếu ăn quá nhanh, trẻ sẽ nuốt thêm nhiều khí vào bụng và xảy ra hiện tượng nôn trớ.
Nguyên nhân nôn trớ thứ 3: Nhân tố truyền nhiễm
- Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng đường ruột sẽ khiến trẻ hay có hiện tượng nôn trớ. Tất cả những hiện tượng nhiễm trùng như viêm rốn, nhiễm trùng da, viêm màng não, nhiễm trùng máu… cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa và khiến trẻ có phản xạ ói mửa.
Nguyên nhân thứ 4: Trẻ nuốt nước ối
- Hiện tượng trẻ nuốt phải nước ối khi còn ở trong bụng mẹ là khá phổ biến. Khi đó, trẻ sơ sinh sẽ nôn ra chất nhầy có bọt. Lúc này không nên cho trẻ ăn ngay để tránh phản xạ của cơ thể là tiếp tục nôn.
Nguyên nhân thứ 5: Phản ứng thuốc
- Trẻ sơ sinh thường phản ứng mạnh với những thuốc có vị đắng, chính vì thế hiện tượng ói mửa của trẻ khi uống thuốc cũng khá phổ biến.
Nguyên nhân thứ 6: Trẻ bị táo bón
- Bị táo bón cũng có thể khiến trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa và trẻ thường sẽ nôn ra những gì mình ăn được trong thời gian này. Các ông bố bà mẹ cũng không nên lo lắng vì khi trẻ đi cầu trơn tru lại thì hiện tượng nôn mửa cũng không còn nữa.
Cuối cùng là do bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh
- Nguyên nhân gây nôn mửa có thể là do chảy máu dạ dày, vì thế khi trẻ nôn lúc này sẽ có màu nâu hoặc đỏ tươi.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa và nôn trớ
Xử lý khi trẻ bị ọc sữa
- Khi trẻ được khoảng 1 đến 2 tháng tuổi, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ. Khi bú trẻ có thể nuốt hơi theo vào dạ dày gây no, sau đó nếu mẹ lại đặt nằm ở tư thế nghiêng thì trẻ dễ bị ọc sữa.
- Đây là hiện tượng ọc sữa sinh lý, mẹ có thể giúp bé tránh được bằng cách chia nhỏ thời gian cho bú, giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn. Nếu trẻ bú bình, mẹ nên giữ bình sữa nghiêng 45 độ, núm vú cao su luôn đầy sữa để trẻ không bú hơi tránh làm căng dạ dày, hạn chế việc trẻ ọc sữa.
- Tuy nhiên, nếu trẻ bị ọc sữa nhiều lần trong khi mẹ đã cố gắng khắc phục tình trạng ọc sữa sinh lý, thì nên xét tới nguyên nhân khác mà theo bác sĩ nhi khoa khuyến cáo. Nếu ọc sữa và kèm theo một số biểu hiện khác thường có thể gặp trong những bệnh lý như: các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng là khi trẻ có biểu hiện ọc sữa liên tục mặc dù không bú cũng ọc, hoặc ói ra rồi bú, bú xong lại ói ra; một số bệnh đường tiêu hóa tắc ruột, lồng ruột hay gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi, trẻ đột nhiên ói, đang bú bình thường bỗng nhiên khóc thét lên, ưỡn bụng, bụng có thể nổi phồng lên … cần phải xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp này, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
- Một điều đáng lưu ý là trẻ không chỉ ọc sữa mà còn bị giật mình kèm co giật trong lúc ngủ, vặn mình thì người mẹ cần xem lại chế độ ăn uống của mình vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang thiếu canxi. Theo thống kê từ các bệnh viện nhi tại TP.HCM, mỗi năm hàng trăm trẻ thiếu canxi có biểu hiện tương tự.
Xử lý khi bé bị nôn trớ
- Phản xạ tự nhiên của trẻ khi bú mẹ hoặc bú bình là nuốt, tuy nhiên nếu khoang miệng của trẻ nhỏ mà lượng sữa lại nhiều thì trẻ sẽ bị nôn ói. Đây là biểu hiện nôn sinh lý do thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Cách khắc phục là nên trẻ bú từ từ, không để bú quá no, sau khi bú mẹ thì khoảng 15 phút sau hãy cho trẻ nằm.
- Đối với trẻ bú bình, nghiêng bình sữa sao cho ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ. Trường hợp này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và có thể mất hẳn mà không cần biện pháp can thiệp nào khác.
- Tuy nhiên, mẹ nên chú ý khi thấy trẻ nôn kèm theo sốt, ho, phát ban, đau bụng quằn quại, co giật …vì đây không phải là nôn sinh lý mà đó là dấu hiệu bệnh lý, liên quan tới việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm màng não, dị ứng sữa…do vậy cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để trẻ được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh gây hậu quả đáng tiếc về sau.
Các biện pháp mẹ cần thực hiện khi trẻ bị nôn trớ nhiều
- Lưu ý: tư thế khi bé nôn nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy , đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản , gây sặc rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bé nôn trớ khi nằm ngữa , chất nôn tràn vào phổi gây ngừng thở, đến khi người nhà phát hiện đưa bé vào viện thì bé đã tím tái , không còn cứu chữa được.
- Khi đã lưu ý tư thế, thì nên chờ cho bé bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó sẽ nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một .
- Nếu bé tiếp tục nôn nhiều, nên đưa bé đi khám. Nếu bé bớt nôn trớ thì cần cho uống luân phiên 50ml dung dịch Oresol và 50ml nước chín sau mỗi nửa giờ. Sau khi cho bé uống loại nước này mà bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 – 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ. Nếu bé không nôn trớ từ 12 – 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống bình thường, nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước. Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hay sữa chua.
- Nên nhớ khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề cần nên nghỉ ngơi cho nên phụ huynh chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng và bé càng quấy khóc nhiều hơn.
- Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé nhanh hồi phục hơn, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
- Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
- Trường hợp trẻ bị sặc, đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên làm nghiệm pháp Heimlich ở trẻ lớn, đứng sau lưng trẻ, quàng 2 tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn thì nên để nằm sấp trên đùi chúng ta và vỗ mạnh vào lưng trẻ như hình vẽ. Dị vật , chất nôn sẽ được tống ra.
- Sau khi tống chất nôn ói ra được nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi nào cha mẹ nên lo lắng về tình trạng trẻ bị nôn trớ?
Trong những tháng đầu tiên sau sinh, hiện tượng nôn trớ có thể là biểu hiện của một vấn đề nào đó liên quan đến ăn uống chẳng hạn như ăn quá no. Sau thời kỳ này, nguyên nhân có thể là do một loại vi rút dạ dày.
Đôi khi, dù rất hiếm, nôn trớ ít khi là biểu hiện của một tình trạng viêm nhiễm nào đó ở hệ hô hấp, tiết niệu hay thậm chí là tai.
Bé càng lớn mà tình trạng nôn trớ càng nghiêm trọng thì đừng do dự, hãy đưa bé tới bác sĩ ngay. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần tới bệnh viện ngay:
- Đau bụng quằn quại
- Bụng trướng
- Lơ mơ hay ở trạng thái kích thích
- Co giật
- Liên tục nôn trớ hay tiếp tục nôn trớ trên 24 tiếng
- Có dấu hiệu cơ thể bị khử nước như miệng khô, ít nước mắt, ít đi tiểu (thay ít hơn 6 tã lót/ngày)
- Xuất hiện máu hay mật (màu xanh) khi nôn trớ.
- Một chút máu tươi khi nôn trớ thường không đáng lo ngại bởi đó là do các mao mạch ở thực quản bị xước khi phản xạ nôn quá mạnh.
Cũng có thể có xuất hiện tia đỏ trong dịch nôn nếu bé nuốt máu từ vết thương nào đó ở miệng hoặc bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng trước đó. Vì thế bạn chỉ nên gọi bác sĩ nếu bé tiếp tục nôn trớ có lẫn máu trong những lần sau với số lượng tăng dần. Riêng với tình trạng nôn có màu xanh thì cần đưa bé đi khám ngay.
Bạn cần giữ lại chút dịch nôn trớ có lẫn máu hay mật xanh để đưa bác sĩ xem.
Nôn trớ không ngừng trong tháng đầu tiên sau sinh, cứ ăn xong là nôn trớ
Đây có thể là do chứng hẹp môn vị, một nguyên nhân hiếm gặp gây nôn trớ mà thường bắt đầu 1 vài tuần sau khi bé chào đời cho tới tận khi bé 4 tháng tuổi.
Môn vị là một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non. Nếu cơ vòng này bị dày lên sẽ ngăn cản sự di chuyển các chất trong bộ máy tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột. Sữa hoặc các thực phẩm khác bị ứ tắc ở đây sẽ dội lại phía thực quản và gây ra nôn ói.
Chỉ cần một tiểu phẫu là vấn đề sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện nhi ngay khi thấy triệu chứng trên.
Một lưu ý là cha mẹ không nên quá căng thẳng về hiện tượng này ở trẻ. Mỗi đứa trẻ đều sẽ nôn trớ ít nhiều trong giai đoạn sau khi chào đời và thường không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ cũng như sự phát triển của trẻ ngoại trừ làm bẩn bộ quần áo mới. Hãy nhớ nôn trớ là một phần không thể thiếu trong giai đoạn mới làm cha mẹ.