Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt từ vẻ ngoài, tính cách đến hiểu biết, kỹ năng và suy nghĩ khác nhau. Mặc dù mỗi bé đều có kỹ năng riêng song cũng phải có những kỹ năng chung nhất định để sẵn sàng sống trong một môi trường tập thể, nhất là khi bé bắt đầu độ tuổi tới trường. Kỹ năng sống cần phải được học hỏi dần dần từ kinh nghiệm, và chắc chắn rằng nhà trường không thể dạy hết những kỹ năng này cho các bé mà cha mẹ cần tạo điều kiện cho con được học và rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản ngay từ trong gia đình, từ khi còn nhỏ.
Trẻ cần được học và rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản ngay từ trong gia đình, và tốt nhất là nên học ngay từ bé trước độ tuổi đến trường (Ảnh minh họa)
Bắt đầu đi học mẫu giáo là một cột mốc quan trọng đầu tiên mà bé sẽ phải đối mặt trong sự nghiệp học hành của mình. Bên cạnh việc phải tự mình hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn, bé cũng sẽ thấy lạ lẫm và bỡ ngỡ trong một môi trường mới, những người bạn mới. Nếu trẻ được học những kỹ năng sống cơ bản ngay từ bậc mầm non thì khi lớn lên bé sẽ tự tin hơn, biết cách tự lập, tự vượt qua khó khăn và biết sống sao cho có ích với xã hội.
Chuyên gia về phương pháp nuôi dạy con Fiona Maher O'Sullivan đến từ Trung tâm tư vấn và đào tạo Incontact (Singapore) nhấn mạnh rằng: "Nếu trẻ đã sẵn sàng và được chuẩn bị đầy đủ kĩ năng sống cần thiết, bé sẽ có hành vi và cư xử đúng đắn, trẻ tiếp thu các kỹ năng mới, bài học mới một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn."
Sau đây là danh sách 5 nhóm kĩ năng sống cơ bản mà bất cứ bé nào trong độ tuổi mẫu giáo cũng cần nắm vững ngay từ nhỏ để trở nên tự tin và bản lĩnh hơn.
1. Có thể chịu đựng cảm giác chia tay
Với những bé đi học lần đầu thì cảm giác phải tạm biệt bố mẹ, người thân và ngôi nhà quen thuộc để đến trường mới, gặp gỡ những người bạn mới quả là không mấy dễ dàng. Bà Fiona cho biết thêm rằng nghiên cứu chỉ ra các bé trai có xu hướng lo lắng và chán nản hơn so với các bé gái thể hiện bằng cách khóc lóc, giận dữ, đánh lại cha mẹ và nhất quyết không chịu đi học.
Lời khuyên dành cho cha mẹ là hãy tập dượt trước cho bé bằng những khoảng thời gian cách ly từ ngắn tới dài. Xây dựng sự tự tin sẽ giúp trẻ độc lập hơn, để cho trẻ tự làm những việc đơn giản như tự ăn, đi vệ sinh và tự rửa tay mà không cần sự có mặt của bố mẹ. Điều quan trọng nhất cần lưu ý là cần cho phép trẻ được chủ động và mắc sai lầm.
2. Thực hiện theo lịch trình
Khi đi học, các chương trình trên lớp sẽ được thiết lập theo một lịch trình cố định. Và bé cần có khả năng thực hiện theo thời gian biểu đó để không bị tụt lại sau hoặc làm ảnh hưởng tới các bé khác. Chuyên gia khuyên bố mẹ tập cho con đi theo một lịch trình cụ thể tại nhà, hình thành thói quen cho trẻ trước khi đi học. Ví dụ như thời gian ngủ dậy, ăn sáng, ngủ trưa, các hoạt động buổi chiều… Cha mẹ cũng cần chuẩn bị, thông báo cho bé trước khi thay đổi sang hoạt động tiếp theo như địa điểm, thời gian. Chẳng hạn: Sau khi con tắm xong thì mẹ con mình sẽ đi chơi công viên.
3. Khả năng tập trung
Nhiều bé không có khả năng tập trung cao, "cả thèm" chóng chán và dễ mất hứng với một hoạt động nào đó. Các chuyên gia khuyên cha mẹ rèn luyện kĩ năng tập trung cho bé tại nhà bằng cách cho bé tham gia các hoạt động mà bé yêu thích kết hợp với hoạt động bé ít thích hơn để cùng hoàn thành. Sau đó, tăng dần thời gian trẻ thực hiện cho từng nhiệm vụ và có phần thưởng khích lệ khi trẻ có thể tập trung và hoàn thành.
Chuyên gia, bác sĩ tâm lý Vaani Gunaseelan (Singapore) hướng dẫn cha mẹ phân biệt hội chứng tăng động giảm chú ý với trẻ kém tập trung qua các dấu hiệu như khó khăn khi phải ngồi tập trung theo thời gian dự kiến, chạy nhảy quá mức kiểm soát, khó chịu bứt rứt khi phải chờ đến lượt mình, dễ bị phân tâm, không thể thực hiện theo hướng dẫn.
4. Kĩ năng giao tiếp, kết bạn
Trường mầm non là một môi trường mới với rất nhiều gương mặt mới, từ thầy cô mới cho đến các bạn mới. Kĩ năng giao tiếp và kết nối với những người khác sẽ giúp trẻ kết bạn và hòa nhập dễ dàng hơn, từ đó trẻ sẽ nhiệt tình và tích cực hơn khi đến trường.
Lời khuyên dành cho cha mẹ trong việc rèn luyện kĩ năng giao tiếp, hòa nhập cho trẻ là nên dành thời gian chơi với con, cho con chơi các trò chơi phù hợp với lứa tuổi để thúc đẩy sự phát triển. Mặt khác, chuyên gia tâm lý cho rằng không có cách nào tốt hơn để cải thiện các kỹ năng xã hội của trẻ hơn là để cho con được gặp gỡ và tương tác với những đứa trẻ khác ở bên ngoài. Tiến sĩ Vaani gợi ý cha mẹ nên đưa con ra ngoài chơi hoặc tổ chức các hoạt động cho các bé tham gia. Sân chơi tại khu phố trẻ sinh sống là một địa điểm lý tưởng. Thường xuyên cho trẻ tham gia hoạt động bên ngoài với các bé khác sẽ giúp xây dựng sự quen thuộc, tự tin và các kỹ năng xã hội cho trẻ.
5. Kiểm soát cảm xúc
Kĩ năng kiểm soát cảm xúc rất quan trọng mà cha mẹ cần rèn luyện cho bé ngay từ nhỏ. Nếu không thể kiểm soát cơn tức giận thì con rất dễ biến thành đứa trẻ hung hăng, chọn đánh bạn và xung đột làm giải pháp thay vì kết bạn và hòa đồng.
Cha mẹ cần giúp bé kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh, không phủ nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ mà hãy giúp trẻ tháo gỡ vấn đề, giải tỏa căng thẳng. Tránh chỉ trích, mắng mỏ con là đứa trẻ hư. Thay vào đó nếu thấy trẻ đánh bạn, mẹ có thể nói: "Mẹ rất buồn khi thấy con đánh bạn ở sân chơi và mẹ không thích những gì con đã làm hôm nay". Điều này cho phép trẻ biết tự chịu trách nhiệm về tình huống đã gây ra, đồng thời cho con cơ hội để giải tỏa cảm xúc.