1. Nguyên nhân trẻ bám mẹ
Nếu như bé chỉ yêu quý mẹ mà tẩy chay tất cả những người khác thì cần phải uốn nắn ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của bé. Các điều tra tâm lí đã cho thấy, những bé trai sống với mẹ trong thời gian dài, tình cảm mẹ con khăng khít thì thường không chín chắn, hay ỷ lại, sống khép kín, thiếu hòa đồng, không thích giao tiếp với bạn đồng trang lứa, thiếu nam tính. Khi trưởng thành, những đứa trẻ đó thường rất ấu trĩ, “trẻ con”, không thể gánh vác khó khăn, hay dựa dẫm vào mẹ.
Thật ra, trẻ con yêu quý mẹ hơn cũng là điều rất bình thường, vì mẹ là người chăm sóc bé rất nhiều và cũng cẩn thận, chu đáo hơn bố. Hơn nữa, bé còn từng ở trong bụng mẹ những chín tháng mười ngày, bởi vậy, sự thiên vị giành cho mẹ hoàn toàn có thể hiểu được.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bám mẹ?
2.1 Thường xuyên cho trẻ đến chơi nhà bạn bè
Càng để bé tiếp xúc với nhiều bạn thì càng có lợi cho việc xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh. Bé sẽ hiểu được quan hệ giữa những thành viên trong xã hội và xây dựng tình bạn thân thiết với những người khác.
2.2 Giao tiếp nhiều hơn với bạn bè
Lên 5 tuổi, bé nên thường xuyên chơi với các bạn. Để bé chơi đùa nhiều hơn với bạn sẽ giúp bé trải nghiệm thế nào là tình bạn, niềm vui khi có bạn và sẽ thoát ra khỏi thế giới nhỏ bé chỉ xoay quanh bản thân mình.
Thông thường, trẻ được 2 tuổi đã bắt đầu giao tiếp với các thành viên trong gia đình, sau đó mở rộng phạm vi giao tiếp với bạn bè chơi cùng; đến khi 3 tuổi, bé đi mẫu giáo thì lại càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn khác, các bé dần tạo ra thế giới của riêng mình, có những người bạn thân thiết.
2.3 Không nên quá thân thiết
Các mẹ cần hiểu rằng bé không còn là trẻ sơ sinh nữa nên không thể đối xử với bé như một đứa trẻ mới sinh. Tất nhiên không thể cấm mẹ ôm hôn, bế bồng, vuốt ve bé, nhưng tất cả phải phù hợp, tránh việc khiến cho bé thấy giống như lúc nhỏ, chỉ muốn ở với mẹ không rời.
Ngoài ra, mẹ và bé có thể nghĩ ra những hành động khác phù hợp hơn với độ tuổi của bé, ví dụ khi bé giành chiến thắng, mẹ không ôm hôn giống như hồi bé nữa mà có thể vỗ tay chúc mừng bé.
2.4 Để cho trẻ tự do
Thứ nhất, tự do về tâm lí. Mẹ càng khống chế bé thì thế giới của bé càng nhỏ hẹp, cuối cùng chỉ có thể quẩn quanh bên mẹ mọi lúc mọi nơi. Mẹ hãy để bé tự làm những việc mà bé thích, bồi dưỡng sở thích của bé, để cho bé tự quyết định, tự giải quyết khó khăn.
Thứ hai, trong cuộc sống, mẹ nên để bé học cách tự lập. Chỉ khi bé có thể tự mình giải quyết vấn đề của bản thân, bé mới không dựa dẫm vào mẹ, nếu không bé sẽ cho rằng mẹ là nhân vật “vạn năng”, còn mình cái gì cũng không biết làm nên tất nhiên sẽ phụ thuộc vào mẹ. Hãy để bé tự lập, tự giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Khi bé được 5 tuổi, cha mẹ hãy cho bé ngủ riêng, cho dù có ngủ chung phòng với cha mẹ, cũng hãy để bé nằm riêng một giường.
2.5 Vai trò của người cha
Bố có thể cùng bé chơi những trò chơi thú vị đòi hỏi phải hoạt động nhiều, những trò chơi vừa hay vừa mang tính trí tuệ như đánh cờ, bắt dế..đây đều là những trò chơi mà bố rất có ưu thế và cũng rất thu hút trẻ nhỏ. Hơn nữa, những trò chơi đòi hỏi hoạt động nhiều lại càng là lợi thế của các ông bố, còn bé cũng có rất nhiều năng lượng để dành cho những trò chơi như thế.
Thông thường, bố rất ít khi tham dự vào cuộc sống gia đình, đây cũng là nguyên nhân khiến cho bé không thân với bố bằng mẹ. Bố nên tìm cách để thân thiết với bé, thực ra, mỗi ông bố đều có ưu thế chiếm được cảm tình của bé, chỉ có điều bố có muốn thể hiện điều đó, có chịu bỏ công sức hay không thôi
Khi bố đã giải phóng và thế chỗ của mẹ bên cạnh bé thì không những cuộc sống gia đình trở nên dễ dàng hơn mà cũng có lợi cho sự phát triển tâm sinh lí của trẻ.