1. Trẻ chán học sẽ mang đến nhiều hậu quả lâu dài
Học tập là công việc chủ yếu của trẻ con, có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển của trẻ. Việc học giúp trẻ nhận thức, trang bị kiến thức và hiểu biết nhất định, tạo hành trang cho con vào đời.
Trong giai đoạn tiểu học, trẻ bắt đầu làm quen với môi trường học tập. Việc học gắn với bé cả đời, do đó, cha mẹ cần tạo cho con hứng thú học tập, phát huy khả năng của từng trẻ, từ đó mang lại kết quả học tập tốt.
Càng lên cấp cao hơn, con sẽ ngày càng cảm thấy việc học áp lực và bất khả thi. Con sẽ trượt dài trong các tệ nạn khi không còn động lực học tập và cạnh tranh thi đua với bạn bè.
Bạn quá bận bịu công việc và phó thác chuyện học của con vào nhà trường, thầy cô giáo. Cẩn thận, thiếu sự quan tâm của gia đình, trẻ dễ mất động lực học. Con trẻ không bắt kịp tiến độ học tập của lớp, lỗ hổng kiến thức của trẻ ngày càng rộng, bạn càng mất thời gian lấy lại căn bản cho con. Hệ quả là trẻ ngày càng học sa sút, chán học, trốn học…
2. Trẻ chán học khi gặp khó khăn trong việc học
Việc học là quá trình tích lũy kiến thức theo cấp số cộng. Kiến thức cũ sẽ tạo nền tảng để trẻ tiếp thu kiến thức mới. Quá trình này vận động không ngừng. Khi bị “hổng” kiến thức, con của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Các biểu hiện đó là:
Khả năng tập trung, chú ý kém
Khả năng tập trung chú ý kém có thể vì bản tính hiếu động, nghịch ngợm của trẻ. Nhưng nguyên nhân cũng có thể do trẻ đang gặp vấn đề trong học tập và chán học. Trẻ không có khả năng tập trung – chú ý và hậu quả làm cho lực học của trẻ sút kém so với các bạn trong lớp.
Biểu hiện của việc này là sự trung trong ánh mắt của con. Cha mẹ cần chú ý khi con học, trẻ không tập trung vào tập vở, vào người dạy. Ánh mắt ngó nghiêng ra cửa, nhìn bạn bè, tay chân lóng ngóng bấm bút bi…
Trẻ đọc yếu, viết sai chính tả
Khả năng đọc yếu thể hiện ở việc trẻ Tiểu học không phân biệt được các chữ b-d, p-q, m-n… Con dễ nhầm lẫn các từ, đọc rụt rè và dễ sai.
Chẳng hạn, trẻ lớp 2-3 phải đọc thông viết thạo câu ngắn. Cha mẹ cần chú ý khi thấy con đọc quá chậm, ngập ngừng, buộc phải đánh vần từng chữ mới nên âm điệu. Trẻ không nhớ mặt chữ, quên cách đọc là biểu hiện cho thấy kiến thức từ lớp 1 của trẻ đang thiếu hụt.
Trẻ đọc yếu khó khăn khi diễn tả các từ. Con đọc một câu không trôi chảy, nghỉ câu, ngắt câu không hợp lý. Gia đình cần chú ý để trình độ của con bắt kịp với kiến thức từng lớp học.
Kết quả học tập sút kém
Điểm kém, bài tập hay mắc lỗi, không hoàn thành bài tập… Đó là những biểu hiện cho thấy việc học của con đang có vấn đề.
Biểu hiện chán đến trường
Chán học, học kém dẫn đến việc trẻ bị thầy cô phê bình, bạn bè không xem trọng. Từ đó, con xấu hổ, càng thu mình lại, ít tiếp xúc, sức học ngày càng kém hơn. Hệ quả dây chuyền này sẽ càng lúc càng đẩy con xa khỏi việc học hành.
Trẻ chán học biểu hiện ở việc không muốn đi học, không muốn gặp bạn bè và kết bạn. Mỗi ngày đi học với con là “cực hình”, trẻ miễn cưỡng nên chậm tiếp thu, không nắm bắt được kiến thức do thầy cô truyền thụ.
2. Khi trẻ chán học cha mẹ cần làm gì?
Kết quả học tập của trẻ là sự thể hiện của một quá trình nỗ lực phấn đấu từ nhiều phía: Nhà trường – gia đình – bản thân trẻ. Muốn vực dậy việc học của con, cha mẹ cần lưu ý cả ba yếu tố này.
Nhà trường
Cha mẹ nên tạo mối quan hệ tốt với cô giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường và Hội phụ huynh, phối hợp tạo cho con môi trường học tập tối ưu.
Qua trao đổi, bạn sẽ hiểu được con đang buồn vì bạn giận, con đau bệnh, hoặc thú cưng của con chết làm trẻ mất tinh thần… Giải quyết những vấn đề tưởng chừng vặt vãnh nhưng sẽ giúp con rất nhiều, vực dậy tinh thần lạc quan, hào hứng học tập của trẻ.
Thường xuyên trao đổi với cô giáo khi phát hiện con có các vấn đề trong học tập, biểu hiện xao nhãng việc học. Bạn bè của con cũng là nguồn thông tin tốt bạn đừng bỏ qua.
Gia đình
Cha mẹ bận kiếm tiền, hoặc có nhiều mối quan tâm khác, bỏ bê việc rèn con học thường sẽ dẫn đến việc con chán học, học kém. Vì vậy, khi con bước vào giai đoạn Tiểu học, bạn nên thu xếp thời gian để cùng con ôn bài, học tập vào mỗi tối, ít nhất trong 60 phút.
Gần gũi, thường xuyên tâm sự với con, phát hiện xem có các yếu tố gì ảnh hưởng đến hứng thú học tập, việc học của con không. Giải quyết sớm các vấn đề, bạn sẽ ngăn ngừa sớm các biểu hiện học tập sút kém của trẻ.
Nếu cha mẹ quá bận và không sâu sát được việc học của con, bạn nên thu xếp thuê gia sư tới nhà để kèm cho trẻ. Nhưng không phó thác hoàn toàn, cha mẹ vẫn cần kiểm tra thường xuyên để việc học tập của con đạt kết quả tốt.
Bản thân trẻ
Không phải ai cũng may mắn sinh ra con có khả năng tiếp thu tốt, sức khỏe tốt, mẫn tuệ… Chính chúng ta là người hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của con trẻ.
Mỗi đứa trẻ có cách tiếp thu khác nhau, phương pháp học tập khác nhau. Cố gắng tìm cách học thích hợp cho trẻ, và cho con theo học những môn con hào hứng. Tránh tạo áp lực cho con bằng cách ép trẻ học, đặt thành tích cao buộc con phải đạt được… Bạn nên nhớ, chỉ có biến việc học thành niềm vui mới giúp con duy trì được việc này thường xuyên.