BIỂN ĐẢO THÂN THƯƠNG
Việt Nam, dải đất hình chữ S với hơn 3000 km đường biển, giáp với Biển Đông, đó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc,“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Chủ quyền trên biển đã được cha ông ta khẳng định cách đây hàng trăm năm! Đó là sự thật không thể bàn cãi. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn là trách nhiệm lớn lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Đây là điều hiển nhiên không chỉ trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người Viêt Nam mà đã được Quốc tế công nhận. Những cứ liệu lịch sử đã khẳng định: Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với một Quốc gia có chủ quyền về biển, mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển thì Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt, là một phần không thể tách rời của cơ thể Việt.Thế nhưng! Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc chưa bao giờ bình yên bởi sự gây hấn, sự tham lam và sự hiếu chiến của kẻ thù. Chúng đã ngày đêm muốn xâm lấn, muốn chiếm đoạt biển đảo thân yêu của chúng ta. Biết bao nhiêu người con đất Việt đã ngã xuống để giữ vững biển trời, giữ màu xanh yêu thương của biển.
“Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi dòng sông”
Hai tiếng “Tổ Quốc” khi cất lên trong tim mỗi người thật thiêng liêng và mang một sức mạnh lạ thường. Lúc đất nước bị xâm lăng thì tinh thần ấy, sức mạnh ấy giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Cách đây 26 năm, lực lượng Hải quân của ta đã có một trận chiến oanh liệt để bảo vệ cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa trước âm mưu đánh chiếm cột cờ cắm mốc chủ quyền của Việt Nam từ phía Trung Quốc. Ngày 14/3/1988 đã trở thành một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử quân chủng Hải quân Việt Nam.Trong trận quyết chiến giữ vững chủ quyền biển đảo, 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã mãi mãi nằm lại dưới lòng biển cả bao la, giữa trùng khơi của Tổ quốc! Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn cờ Tổ Quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ Quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Hay, anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, dù bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng. Anh hùng Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm để con tàu trở thành pháo đài giữ vững chủ quyền trên đảo... Những người lính Hải quân trẻ ngày ấy đã sống và chiến đấu quên mình để bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tuổi xuân của các anh đã hiến dâng cho đất nước, tấm lòng ấy, tinh thần bất khuất ấy mãi là là tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ noi theo. Biển bao la của quê hương đã từng nhuộm đỏ máu các anh sẽ cho các thế hệ Việt Nam sức mạnh để chiến đấu chống lại bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Để giữ được phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc, biết bao nhiêu người đã ngã xuống, biết bao người đã hy sinh. Triệu triệu người dân Việt sẵn sàng khi Tổ Quốc gọi và sẵn sàng hy sinh khi Tổ Quốc cần. Tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự hy sinh ấy đã trở thành bất tử.
Không chỉ là các chiến sỹ Hải quân mà cả ngư dân, những con người lao động bình dị ấy cũng là những tấm gương sáng về tinh thần dân tộc. Họ đã dũng cảm vươn khơi bám biển, dù không có trong tay một thứ vũ khí tự vệ nhưng họ không hề run sợ trước những đội tàu lớn được trang bị hiện đại của những kẻ ngang ngược bạo tàn. Những con tàu đơn sơ, nhưng họ vẫn tiến thẳng ra khơi, bám trụ với ngư trường truyền thống cha ông để làm ăn và cũng để bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc. Một ngư dân trở về từ chiếc tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, vẫn không chút sợ hãi, khẳng định một quyết tâm sắt đá: “Là ngư dân, chúng tôi quyết sẽ làm những chiến sĩ trên biển để bảo vệ chủ quyền. Riêng tôi sẵn sàng hy sinh khi Tổ Quốc cần để bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Chúng ta tự hào bởi chúng ta là con dân đất Việt, một dân tộc có “một lòng nồng nàn yêu nước” mỗi khi đất nước gặp nguy nan tinh thần yêu nước đó lại “kết thành một làn sóng mạnh mẽ” không sức mạnh nào có thể khuất phục.
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sự đấu tranh của chúng ta là đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, chúng ta luôn biết kiềm chế trước sự gây hấn của những kẻ bạo tàng, không để sa vào cạm bẫy. Đó là sách lược hết sức đúng đắn mà cha ông ta đã đúc kết hàng trăm năm. Hơn bất cứ Quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh bởi những hậu quả tàn khốc của nó vì vậy phải tiến hành chiến tranh là điều mà chúng ta không hề muốn.Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, chúng ta cũng thể hiện sự quyết tâm, khôn kéo, dũng cảm trước mọi hành vi gây hấn của kẻ bạo tàng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.“Chúng ta kiềm chế không phải nhu nhược, yếu hèn, mà thể hiện thái độ hoà hiếu, chính nghĩa với mục tiêu là bảo vệ bằng được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Bác Hồ thường sử dụng làm nguyên tắc hành động lúc này, chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Cái bất biến đó chính là độc lập, chủ quyền của dân tộc, một tấc đất trên bộ, một con sóng ngoài biển chúng ta cũng phải giữ. “Ứng vạn biến” là chúng ta phải linh hoạt mềm dẻo, theo tinh thần “đoàn kết, đồng thuận trong xã hội, cho thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển”.
Những ngày qua, trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam đều hướng về biển đảo của Tổ Quốc, các phong trào “Góp đá xây Trường Sa”,“Vì Trường Sa thân yêu”, “Nước ngọt cho Trường Sa”, “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” ,“Cả nước vì Trường Sa”,…. đang được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước. Huyện đảo Trường Sa đang ngày càng ổn định và phát triển, bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với những tấm lòng ấm áp của triệu triệu trái tim người Việt Nam luôn hướng về nơi biên cương của Tổ quốc.
Mỗi ngày, mỗi người dân Việt, trong đó có các bậc phụ huynh, có CBGVNV và các con học sinh thân yêu của trường mầm non Bắc Biên hãy luôn tự hào, hãy luôn cố gắng gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách học tập tốt, lao động tốt, trở thành một người công dân tốt để cống hiến tài, đức của mình góp phần xây dựng cho đất nước ngày càng giàu, mạnh hơn. Hãy cùng chung tay ủng hộ sức người sức của, hướng triệu trái tim về biển đảo để lắng nghe: “Tổ Quốc gọi tên mình”.
Tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền: Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cam-pu-chia
Khu vực biên giới có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của mỗi nước. Khu vực biên giới ổn định và phát triển sẽ góp phần tăng cường và củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương có chung đường biên giới, góp phần quan trọng cho sự ổn định và phát triển của mỗi nước và tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diệnViệt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cam-pu-chia. Vì vậy, việc xây dựng đường biên giớitrên tinh thần, hữu nghị,hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững là nội dung cần quán triệt sâu sắc tới các bộ, ngành và địa phương hữu quan, trong đó quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý biên giới đã ký giữa hai nước với những nội dung sau:
Tăng cường hợp tác chặt chẽ với phía bạn trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; nâng cao cảnh giác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, nhất là tội phạm buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, buôn người, buôn lậu và gian lận thương mại…; Chỉ đạo các lực lượng trực tiếp bảo vệ biên giới hiệp đồng tác chiến giải quyết tốt các vụ việc phát sinh nhằm ngăn chặn, phá tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch chống phá hai nước, giữ vững sự ổn định ở khu vực biên giới;
Tạo cơ chế, chính sách tăng cường thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức nhằm sớm cải thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân biên giới, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với trình độ phát triển trung bình hoặc trung bình khá của cả nước;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung cũng như về việc thực hiện Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền. Ðồng thời, tăng cường các biện pháp phối hợp với nước bạn nhằm quản lý, bảo vệ tốt đường biên giới, hệ thống mốc Quốc giới và thực hiện tốt các nội dung của Hiệp định;
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nước bạn trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong công tác quản lý biên giới, trọng tâm là:
- Xây dựng và triển khai thực hiện tốt đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu qua lại biên giới; phát huy thế mạnh kinh tế, làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên toàn tuyến biên giới.
Các địa phương cần chú trọng hơn nữa trong việc phối hợp với các địa phương phía bạn trong việc thực hiện hiệu quả các Hiệp định, thỏa thuận liên quan biên giới đã ký giữa hai nước, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của cư dân biên giới; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân phát triển kinh tế, thương mại trong khu vực biên giới; đồng thời, cần tiếp tục phối hợp với bạn tăng cường đầu tư phát triển đường giao thông qua lại biên giới cũng như thực hiện tốt kế hoạch mở, nâng cấp cửa khẩu đã được thỏa thuận nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cam-pu-chia, trở thành hậu phương chiến lược của cách mạng các nước.