1. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Thực hiện nghiêm túc công văn số 964/ATTP-NĐTT ngày 23/4/2020 của Cục an toàn thực phẩm Bộ y tế về việc hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch COVID-19 đối với bếp ăn cơ sở giáo dục.
- Thống nhất với đơn vị cung ứng thực phẩm, phân công từ 1-2 người giao thực phẩm cố định đủ điều kiện phòng chống dịch (xét nghiệm âm tính với Sars-CoV2/72 giờ hoặc đã được tiêm phòng dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K).
- Thực hiện nghiêm túc các quy định trong quản lý chăm sóc nuôi dưỡng: quy trình bếp một chiều, phân công dây truyền, xây dựng thực đơn, tính khẩu phần ăn, lưu nghiệm thức ăn, hồ sơ sổ sách và thực hiện việc công khai theo quy định…
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, sử dụng các phần mềm được Bộ GDĐT và Viện Dinh dưỡng quốc gia thẩm định.
- Tăng cường phối hợp với Ban đại diện CMHS giám sát quá trình tổ chức hoạt động nuôi dưỡng: giao nhận thực phẩm, chế biến, tổ chức bữa ăn cho trẻ
- Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước cha mẹ trẻ và cơ quan quản lý nhà nước về việc ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm và sử dụng thực phẩm tại đơn vị, cần tuân thủ các qui định về VSATTP của cơ quan y tế, cơ quan quản lý trên địa bàn và lưu ý những vấn đề sau:
1.1. Đối với đơn vị trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm: kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh đúng tên đơn vị; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP; Xác nhận công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP; Những sản phẩm thực phẩm có đóng gói phải có công bố chất lượng sản phẩm; Bao bì, nhãn mác đầy đủ thông tin và hạn sử dụng…
+ Yêu cầu đối với cơ sở trực tiếp giết mổ và cung cấp thịt: Đăng ký kinh doanh đúng tên công ty/cơ sở; Có chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
+ Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất rau an toàn: Đăng ký kinh doanh đúng tên công ty/cơ sở; chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
1.2. Đối với đơn vị thu mua thực phẩm để cung cấp: Có đầy đủ tư cách pháp nhân đăng ký kinh doanh được phép kinh doanh lĩnh vực về thực phẩm đang cung cấp; Có hợp đồng mua bán thực phẩm với nhà sản xuất, cơ sở giết mổ; Có bản cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP; Yêu cầu các nhà sản xuất, cơ sở giết mổ phải có giấy tờ hợp lệ như mục 1.1.
1.3. Đối với các trường MN trực tiếp trồng rau tại trường: Xây dựng quy trình trồng rau và cam kết về VSATTP với phòng y tế của Quận.
1.4. Hồ sơ và hợp đồng cung ứng thực phẩm nhà trường cần có bảng tổng hợp các loại thực phẩm đơn vị cung ứng cho cơ sở GDMN, bản cam kết chất lượng và lưu giữa tại trường toàn bộ giấy tờ hợp pháp theo quy định tại mục 1.1 hoặc mục 1.2 được photo có chứng thực; danh mục thực phẩm. Nhà trường thường xuyên kiểm tra chất lượng, đơn giá thực phẩm, đơn giá sữa, sản phẩm bao bì nhãn mác đủ thông tin theo quy định. Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể và công khai danh mục các công ty cung ứng theo quy định.
+ Xây dựng môi trường: Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Thân thiện, đưa môi trường sinh thái vào trường học.
+ Đưa nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe vào chương trình chăm sóc giáo dục phù hợp với độ tuổi của trẻ.
+ Thực hiện công tác tuyên truyền về mô hình phòng chống suy dinh dưỡng trong nhà trường.
+ Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đáp ứng yêu cầu của trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia và công tác Kiểm định chất lượng GDMN.
2. Đảm bảo chất lượng bữa ăn
Thực hiện kỷ cương trong công tác quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập bao gồm chế độ sinh hoạt một ngày và chế độ dinh dưỡng của trẻ theo các độ tuổi Mầm non theo quy định. Xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ các độ tuổi đa dạng, hợp lý đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng được quy định tại Thông tư số
28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình GDMN. .
- Xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ theo quy định của Chương trình GDMN. Tăng cường món xào trong bữa ăn chính nhằm tăng lượng rau xanh, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, hoa quả chứa nhiều vitamin C, hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh
(tuyệt đối không cho trẻ ăn nội tạng động vật và mỳ tôm, không cho trẻ ăn rau trái mùa).
- Thiết kế các hoạt động can thiệp, điều chỉnh chế độ ăn, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân, béo phì.
- Tỷ lệ dinh dưỡng tại trường mầm non duy trì mức:
- + Nhà trẻ P: 13-20%; L: 30-40% (Tỷ lệ L động vật/ L thực vật= 70% và 30%); G: 47-50%. (Nhu cầu Kcal ở trường chiếm 60 -> 70%; Nhà trẻ: 600 -> 651 Kcal)
- + Mẫu giáo P: 13-20%; L: 25-35%; G: 52-60%; (nhu cầu Kcal ở trường chiếm 50 -> 55%; 615 -> 726 Kcal)
+ Tỷ lệ Ca, B1 cân đối theo nhu cầu của trẻ: Nhu cầu Ca đối với trẻ 1-3 tuổi: 350mg/ngày/trẻ; mẫu giáo 4-6 tuổi: 420mg/ ngày/trẻ; nhu cầu B1 đối với trẻ 1-3 tuổi: 0.41 mg/ngày/trẻ; mẫu giáo 4-6 tuổi: 0.52mg/ngày/trẻ.
- Đảm bảo thời gian tổ chức giờ ăn cho trẻ, đặc biệt là bữa ăn chính buổi chiều của trẻ nhà trẻ.
Các cơ sở GDMN duy trì xây dựng định lượng thức ăn từ sống sang chín theo thực đơn và tính lượng thức ăn cho trẻ hàng ngày từ sống sang chín đúng quy định.
Nhà trường chú trọng cải tiến các món ăn và phối hợp các món ăn trong ngày hợp lý, khoa học. Cần kết hợp 10 nhóm thực phẩm từ 04 nguồn (Chất bột đường; chất đạm; vitamin, chất khoáng và chất xơ; chất béo) phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng; tăng cường rau xanh cho trẻ trong các bữa ăn chiều, hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh trong bữa ăn của trẻ, tuyệt đối không cho trẻ ăn nội tạng động vật và mỳ tôm, không cho trẻ ăn rau trái mùa để đảm bảo VSATTP cho trẻ; Tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, sẵn có ở địa phương, giá thành không cao để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ
Đảm bảo đủ nước uống cho trẻ, vệ sinh và phù hợp với thời tiết. Nhà trường sử dụng nước tinh khiết cần yêu cầu nơi cung cấp nước có xét nghiệm mẫu nước định kì theo quy định theo Thông tư số 34/2010/TT- BYT ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ y tế. Dùng cây nước nóng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về điện, nhiệt độ nước, hướng dẫn trẻ sử dụng. Khuyến khích các cơ sở GDMN nên sử dụng nước đun sôi để nguội cho trẻ uống. Nước dùng để sơ chế nguyên liệu thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, nấu nướng thức ăn...phải được định kỳ kiểm nghiệm theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Các bể chứa nước cần có lưới chắn côn trùng, có nắp đậy và khóa; được thau rửa định kỳ, lưu biên bản đầy đủ;