Hưởng ứng phong trào thi đua viết về tấm gương nhà giáo tiêu biểu, tận tụy hy sinh, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, gắn liền với việc
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi xin được chia sẻ về một tấm gương tiêu biểu trong trường với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vươn lên trong công tác, lòng nhiệt tình giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong nghề nuôi dạy trẻ.
Đúng như Bác Hồ đã dạy:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây / Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Làm cô giáo mầm non tức là thay mẹ dạy trẻ, muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ như con của mình. Các cháu còn nhỏ hay quấy khóc, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Hay nói cách khác muốn xây dựng được một công trình vững chắc thì phải có được nền móng thật vững chắc.
Trong phong trào học tập và làm theo lời Bác, thực hiện phương châm “
Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” cô giáo Đinh Thị Thủy - giáo viên trường Mầm non Bắc Biên
- một trong những giáo viên giàu nhiệt huyết, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Chị là một tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác, luôn gương mẫu trong mọi công việc được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tin yêu và nhân dân quý mến.
Ảnh: Cô giáo Đinh Thị Thủy trong giờ dạy học
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cô giáo Đinh Thị Thủy được nhận về công tác tại Trường Mầm non Ngọc Thụy.
Năm 2016, chị chuyển về giảng dạy tại Trường Mầm Bắc Biên. Hơn ai hết chị hiểu công việc nuôi dạy trẻ rất khó khăn, vất vả nhưng vì đam mê với nghề, chị đã không ngừng nỗ lực trong công việc. Gần 12 năm công tác, chị đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Trong công tác chị luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành cũng như của trường và ứng dụng những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Tham mưu cùng Ban giám hiệu nhà trường, các bộ phận chức năng, các ban ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp học để làm nên sự thành công của phong trào giáo dục của nhà trường.
Bên cạnh đó, chị còn hòa đồng, lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Đặc biệt, chị phát động việc học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến
.
Cô giáo Đinh Thị Thủy được Ban giám hiệu Trường Mầm non Bắc Biên chọn vào đội ngũ cốt cán, giàu kinh nghiệm về thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục - phát huy vai trò “lấy trẻ làm trung tâm” cho mọi hoạt động. Tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm phát huy tính tích cực của trẻ, hình thành ở trẻ các phẩm chất mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, thân thiện với mọi người xung quanh, lễ phép trong giao tiếp, và hình thành những kỹ năng cần thiết cho trẻ. Giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, vì thế chị luôn xác định quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.
Ảnh: Cô giáo Đinh Thị Thủy cho các con tham gia hoạt động ngoài trời
Trong suốt quá trình giảng dạy, gắn bó với nghề, được đứng lớp giảng dạy và chăm sóc trẻ với các bé ở các độ tuổi khác nhau từ 2 - 5 tuổi. Nên với mỗi độ tuổi của trẻ, chị đều biết khai thác cá tính của các bé. Chị cho biết: “các bé 3 tuổi thường rất tinh nghịch, thích làm theo ý thích của mình nên việc uốn nắn, đưa các cháu vào nề nếp rất khó”. Nhưng chị đã chịu khó học hỏi, tìm tòi, biết ưu điểm của từng bé để động viên, khích lệ, khen ngợi kịp thời, phần lớn dùng phương pháp lời nói ngọt ngào để dỗ dành các bé. Còn đối với các bé 4 tuổi thường bắt đầu ham mê khám phá cái mới, thích hoạt động sôi nổi, thích được chơi các trò chơi tinh nghịch, nên cô lại tìm những bài giảng mới, học tập kinh nghiệm của các giáo viên đi trước để áp dụng cho bài giảng của mình. Chị đã đưa những kiến thức sư phạm được học, cùng với kinh nghiệm trong nghề, nắm bắt tâm lý trẻ sau nhiều năm giảng dạy để đúc kết nên những sáng kiến trong đổi mới phương pháp giảng dạy và được đánh giá cao.
Bận rộn với công tác chuyên môn và các hoạt động phong trào, nhưng chị cũng đã tranh thủ thời gian học tập và tốt nhiệp đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Giáo dục Mầm non năm 2020.
Ở trường đã vậy, nhưng khi ở nhà chị là một người vợ người mẹ rất đảm đang và chu toàn với gia đình. Mặc dù hoàn cảnh nhà chị còn khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng vươn lên trong giảng dạy và trong cuộc sống. Có những lúc con ốm, con đau cũng chỉ một mình chị chăm sóc con. Điều đó không làm cho chị buồn mà ngược lại rất vui, vì chị nghĩ có như vậy thì chồng mình mới yên tâm công tác.
Chị là điển hình của người phụ nữ Việt Nam "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà". Không chỉ làm tốt việc ở trường, trong gia đình chị là người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, khéo léo.. Chị rất mừng và tự hào vì mình đã làm được điều đó .
Năm học 2016-2017 vừa qua, chị đã đạt giải nhì giáo viên giỏi cấp quận và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Hoạt bát, năng động, nhiệt tình, có năng lực và đặc biệt được phụ huynh rất tín nhiệm, cùng với đó là ý chí phấn đấu mạnh mẽ của một cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ.. Cô là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp học tập và noi theo về lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ và quyết tâm vững vàng trong cuộc sống./.