Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị béo phì, chẳng hạn như chế độ ăn của trẻ có nhiều đường và chất béo, lối sống ít vận động, ăn nhiều đồ ăn vặt và thức ăn giàu năng lượng… Ngoài ra, còn phải kể đến quan niệm sai lầm của không ít gia đình là trẻ mập mạp mới khỏe mạnh và đáng yêu nên ra sức nhồi nhét cho con ăn khiến bé bị béo phì lúc nào không hay. Nếu con bạn bị béo phì và chưa biết làm cách nào giúp trẻ giảm cân để bảo vệ sức khỏe, hãy theo dõi những chia sẻ của Hello Bacsi dưới đây.
Làm sao để biết con bị thừa cân, béo phì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân và béo phì là tình trạng mỡ được tích lũy quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thực tế là không khó để nhận biết một trẻ bị béo phì. Tuy nhiên, để được đánh giá chính xác và cụ thể tình trạng béo phì của trẻ, bạn nên đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng thăm khám, kết luận. Bác sĩ sẽ đo chỉ số cơ thể (BMI) của trẻ, đánh giá sự chênh lệch giữa cân nặng của trẻ so với cân nặng tiêu chuẩn đang nằm ở mức nào. Trong quá trình xác định BMI, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc đến các yếu tố như độ tuổi và mức tăng trưởng của trẻ.
Nếu bác sĩ kết luận con bạn bị béo phì, bé có thể phải tiến hành các xét nghiệm thăm dò như:
- Rối loạn mỡ máu: Nồng độ cholesterol, triglyxerit có thể tăng
- Rối loạn đường huyết và dung nạp glucose
- Định lượng nội tiết tố tuyến thượng thận; tuyến giáp, tuyến yên…
- Thăm dò tìm nguyên nhân béo phì: chụp sọ não, siêu âm ổ bụng…
Trẻ em bị béo phì phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào?
Trẻ béo phì có nguy cơ gặp một loạt các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành, điển hình như:
8 cách giảm cân cho trẻ béo phì hữu ích với cả gia đình
Dưới đây là 8 cách không chỉ giúp con bạn giảm cân mà còn hữu ích cho cả gia đình:
1. Khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động
Các hoạt động thể dục thể thao rất hữu ích trong việc giúp bé giảm cân. Những hoạt động như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, trượt patin, bơi lội, đá bóng, bóng rổ, đá cầu, nhảy dây… là những hoạt động thể chất lý tưởng giúp trẻ tiêu hao phần năng lượng dư thừa. Gia đình bạn cũng nên có các hoạt động thể chất nhiều hơn như cùng trẻ đi bộ một quãng ngắn hay đạp xe đạp thay vì ngồi xe, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, ra công viên tản bộ thay vì ngồi trước màn hình tivi…
Ngoài việc giúp trẻ vận động tiêu hao năng lượng dư thừa, các hoạt động này còn giúp gia đình bạn thêm gắn kết, con bạn có thêm nhiều bạn bè cùng trang lứa.
2. Thay đổi thói quen ăn uống của trẻ
Bạn hãy khuyến khích con chỉ ăn khi cảm thấy thực sự đói và dừng lại khi đã cảm thấy no chứ không ăn như một thói quen, ăn cho vui miệng, ăn thêm vì thức ăn ngon… Trẻ em và thanh thiếu niên thường có xu hướng ăn vì buồn chán, căng thẳng hay không có gì để chơi chứ không phải vì đói. Trẻ nên ăn cùng gia đình và bữa ăn nên diễn ra trong nhà bếp hoặc phòng ăn. Đặc biệt, bạn không nên cho con vừa ăn vừa xem ti vi, nghe điện thoại, chơi game, đọc sách… Nếu bị phân tâm bởi những thứ kể trên, bé có thể không nhận ra mình đã ăn bao nhiêu và thường có xu hướng ăn quá nhiều, dẫn đến việc bị tăng cân.
3. Đặt mục tiêu giảm cân vừa với khả năng của bé
Giảm cân là một quá trình dài với nhiều thử thách và đầy gian khổ. Do đó, cách giảm cân cho trẻ béo phì hiệu quả là bạn nên đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng của trẻ. Đối với trẻ béo phì, mức giảm khoảng 0,5kg cân nặng trong 1 tuần là một mục tiêu lý tưởng. Nếu đạt được mục tiêu này, bé sẽ có niềm tin rằng giảm cân không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nếu sau một tháng, bé giảm được số cân nặng đã đề ra, bạn hãy tiếp tục khuyến khích bé bằng cách mua cho bé bộ vợt cầu lông hoặc đôi giày đi bộ mới…
4. Khen thưởng khi trẻ có những thay đổi hướng tới sự cân bằng trong ăn uống
Bạn có thấy việc khen thưởng thường có tác động rất lớn đối với mọi người? Do đó nhằm giúp bé có thêm động lực duy trì chế độ ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân, bạn nên có chế độ khen thưởng để khích lệ. Chẳng hạn như nếu bé uống nước lọc thay vì nước ngọt, soda, ăn trái cây thay vì ăn snack, bánh ngọt… trong suốt một tuần, hãy thưởng cho bé một buổi đi xem phim hoặc món đồ chơi, cuốn sách bé thích…
Lưu ý bạn không nên dùng đồ ăn, bánh kẹo, đồ uống hay bất kỳ loại thực phẩm nào để làm phần thưởng cho bé. Nguyên do là những thứ này có thể khiến kế hoạch giảm cân cho trẻ mà bạn dày công xây dựng bị “sụp đổ”.
5. Chọn thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng
Vào những ngày bé không đi học hay khi bé ở nhà, bạn hãy chia các bữa ăn chính của con thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và khuyến khích con thực hiện điều này. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp bé không bị đói trong thời gian dài, tránh được tình trạng ăn quá nhiều vào các bữa ăn sau đó. Bạn nên bổ sung nhiều rau, trái cây vào khẩu phần ăn của bé và cả gia đình. Đừng ép trẻ ăn nhiều rau và trái cây trong khi các thành viên khác trong gia đình ăn nhiều thịt cá. Điều này sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ức chế, bỏ ngang kế hoạch giảm cân.
Hãy đề nghị trẻ ăn trái cây thay vì uống nước ép, chất xơ có trong trái cây không chỉ giúp bé cảm thấy no lâu hơn mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ uống sữa tách béo, sữa ít đường hoặc không đường, sữa chua… Đối với đồ ăn nhẹ, bạn có thể cho bé ăn khoai, bắp luộc, bánh quy ít ngọt thay vì ăn bánh ngọt, snack, khoai tây chiên…
Hãy đảm bảo rằng tủ lạnh nhà bạn không có nhiều đồ ăn vặt và mọi người trong gia đình cũng nên hạn chế ăn vặt trước mặt trẻ. Duy trì các bữa ăn ít chất béo và không ngừng khuyến khích bé theo đuổi mục tiêu giảm cân của mình.
6. Luôn động viên con
Con bạn có thể dần mất tinh thần sau một thời gian thực hiện kế hoạch giảm cân. Nhiệm vụ của bạn là luôn động viên bé để bé giữ vững tinh thần để đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu bé chỉ giảm được chưa đến 0,5kg/tuần, hãy nói với bé rằng kết quả này là rất khả quan, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa. Điều này giúp bé cảm thấy việc ăn kiêng để giảm cân đang có kết quả tốt và có hứng thú để duy trì.
7. Xây dựng chế độ vận động đơn giản ngay tại nhà
Những lúc bé rảnh rỗi, bạn hãy khuyến khích con thực hiện một số bài thể dục đơn giản tại nhà. Các hình thức vận động hay các bài tập mà bé có thể thực hiện bao gồm: đi dạo, đá bóng, nhảy dây, đánh cầu… bất cứ khi nào rảnh rỗi và cố gắng xây dựng các hoạt động này trở thành thói quen vận động của trẻ. Điều này sẽ giúp con bạn không ngồi ì một chỗ, quên đi nhu cầu ăn uống, có động lực để thực hiện kế hoạch giảm cân.
Bênh cạnh đó, bạn nên thay đổi thói quen ăn uống của cả gia đình. Hãy cắt giảm các món ăn vặt và giảm lượng dầu sử dụng trong nấu ăn hàng ngày, thêm nhiều rau và thịt nạc. Điều này không chỉ giúp con bạn dễ dàng thực hiện kế hoạch ăn kiêng giảm cân mà còn giúp cải thiện sức khỏe của cả gia đình thông qua chế độ ăn.
Ngoài ra, hãy khuyến khích con tham gia một số lớp học hoạt động thể chất như: bơi lội, võ thuật, bóng rổ, thể dục nhịp điệu… Điều này không chỉ giúp bé giảm cân mà còn có thêm các kỹ năng hữu ích.
8. Lập biểu đồ để theo dõi tiến độ giảm cân của trẻ
Bạn hãy lập biểu đồ giảm cân của con và dán lên tường trong phòng của trẻ. Cứ đều đặn mỗi tuần hoặc mỗi tháng, hãy ghi lên biểu đồ mức cân nặng mà bé đã giảm được. Dần dần, con sẽ nhận ra những gì mà con đã đạt được và có động lực để theo đuổi nhiệm vụ khó khăn này.