1. Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ
Bé bị mụn kê
Đây là bệnh về da khá phổ biến và thường khởi phát khi bé được khoảng 3 tuần tuổi. Bạn có thể quan sát thấy những nốt sưng tấy trên mặt bé, trông giống những cái nhọt. Những nốt mụn này thường xuất hiện trên má, trán và thái dương.
Bé bị chàm
Dấu hiệu này khá phổ biến, thường khởi phát khi bé được khoảng 1 – 5 tháng tuổi. Chàm có thể ảnh hưởng đến hai má, trên mặt hoặc các cơ quan khác trên cơ thể của bé. Sự thật là một số bé bị chàm có liên quan trực tiếp đến tình trạng dị ứng sữa nhưng cũng thể khởi phát do da bé bị khô hoặc không có nguyên nhân cụ thể.
Mẩn đỏ ở rãnh giữa hai mông
Những nốt này hơi phồng lên và lõm ở giữa. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do bé bị đọng nước tiểu, mồ hôi hoặc do tã quá bẩn, không vệ sinh. Để không xảy ra tình trạng này nữa, bạn nên thường xuyên thay tã sạch cho bé, chăn chiếu, giường cũng cần phải sạch sẽ. Lau khô và bôi phấn rôm hoặc thuốc theo chỉ định của bác sỹ nhi khoa vào chỗ bị mẩn đỏ.
Mẩn đỏ ở gáy, lưng, rốn
Bé thường xuyên ngọ nguậy và quấy khóc. Điều này có thể do bạn mặc hoặc quấn tã cho bé quá chật, ít vệ sinh cơ thể cho bé. Để xử lý tình trạng này, bạn nên vệ sinh sạch sẽ phòng ở, mặc quần áo hoặc quấn tã thoải mái, tạm ngưng sử dụng sữa tắm, lau khô cơ thể bé khi tắm xong… Nếu các mẩn đỏ mưng mủ bạn cần đưa bé đi khám ngay.
Mẩn đỏ ở miệng
Có thể khi cho bé bú xong, bạn không lau chùi sạch sẽ hai khóe miệng khiến vi khuẩn nấm “hoành hành”. Mẩn đỏ cũng khiến cho bé ngứa ngáy khó chịu, biếng ăn. Theo kinh nghiệm dân gian thì hãy rửa miệng cho bé bằng nước muối. Nếu không đỡ, bạn nên đưa bé đi khám.
Trẻ bị dị ứng do thời tiết
Thay đổi thời tiết khiến da của trẻ giãn nở thất thường gây kích ứng. Trời lạnh khiến da quá khô dễ bị ngứa, càng gãi thì da càng bị kích ứng và sưng tấy. Đối với trẻ có da mẫn cảm với thời tiết, nhiệt độ, nếu bạn cho trẻ tắm nước quá nóng vào mùa đông cả vào mùa hè đều khiến da bị dị ứng.
Do cơ địa của trẻ
Với nhiều trẻ có cơ địa dị ứng, những trẻ sinh ra trong gia đình có người thường xuyên bị viêm da sẽ thường xuyên xuất hiện những vết mẩn đỏ.
2. Cách trị nổi mẩn đỏ trên da bé
Để có thể xóa bỏ những vết mẩn đỏ trên da bé, trước hết các mẹ cần xác định được nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp và phòng ngừa tái phát. Bên cạnh đó các mẹ cũng cần lưu ý những điều sau để hạn chế những tổn thương có thể xảy đến cho da bé:
- Tuyệt đối không dùng các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid hay các chất kháng histamin để điều trị cho trẻ bởi da bé còn non, hệ miễn dịch còn yếu nên ảnh hưởng của thuốc dễ gây những tác động xấu cho sự phát triển của trẻ.
- Đảm bảo cho da bé luôn sạch sẽ, không bị nắng gió, vi khuẩn tấn công.
- Tránh để bé gãi lên những vùng da tổn thương.
- Quần áo của các bé lúc nào cũng phải rộng rãi, mềm mại.
- Lựa chọn cho bé một thực phẩm phù hợp, đặc biệt phải tìm hiểu về sự kích ứng của con đối với các loại thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng cho bé được tốt nhất.
- Cần chú ý cả thực đơn hàng ngày của mẹ bởi các tác nhân gây bệnh có thể đi qua sữa mẹ để xâm nhập vào cơ thể bé.