Bệnh mắt lác là gì?
Có 6 cơ vận nhãn bám xung quanh mắt để mắt đổi hướng nhìn. Một cơ có vai trò liếc mắt sang phải, 1 cơ liếc mắt sang trái và 4 cơ còn lại làm cho mắt liếc lên trên hoặc xuống, đóng, mở. Khi thị giác hai mắt phát triển tốt thì hai mắt luôn làm việc cùng nhau, cùng nhìn về 1 vật, não buộc tất cả cơ mắt hoạt động cân bằng nhau và hai mắt phối hợp hài hoà nhau.
Lác là bệnh về mắt xảy ra khi mất cân bằng giữa các cơ quan ngoại nhãn dẫn đến suy giảm thị lực. Khi tập trung nhìn thẳng vào một vật, 2 mắt không đều nhau mà phần con ngươi bị lệch lên trên (lác trên), xuống dưới (lác dưới), vào trong (lác trong), ra ngoài (lác ngoài). Lác làm cản trở tầm nhìn, khả năng định vị và đôi khi là mất thị giác ở cả 2 mắt.
Ở trẻ em mới sinh ra, bệnh lác chiếm khoảng 4% khiến rối loạn thị giác và gây mất thẩm mỹ.
Khi nhìn một vật, người mắt lác sẽ nhìn ra 2 hình ảnh do 2 mắt không nhìn vào một hướng. Não bộ sẽ xóa bỏ 1 hình ảnh ở mắt lác do thị lực kém hơn từ đó ức chế mắt và gây nên nhược thị, dần dần giảm hẳn khả năng quan sát của bên mắt bị lác.
Nguyên nhân gây ra bệnh lác mắt
Theo thống kê, có 40% bệnh lác mắt do bẩm sinh, 40% do tật khúc xạ (cận thị hoặc viễn thị) và 20% do các bệnh lý khác. Ở Việt Nam hiện có khoảng 2 – 3 triệu bệnh nhân bị lác mắt, chiếm khoảng 2 – 4% dân số.
Lác có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi. Ở người lớn, bệnh lác mắt có thể xảy ra khi gặp chấn thương nặng bên ngoài ảnh hưởng đến mắt. Tuy nhiên khả năng thường xảy ra nhất là do di chứng của các bệnh nguy hiểm như: tổn thương tuần do trong bệnh tiểu đường, đục thủy tinh thể, viễn thị, một số bệnh lí khác làm mắt sưng to bất thường gây lác, sau một cơn co giật cũng có thể dẫn đến lác.
Đối tượng mắc bệnh lác nhiều nhất là ở trẻ em và trẻ sơ sinh, có thể do yếu tố di truyền.
Kiểm tra xem con mình có bị bệnh lác mắt hay không
Trong giai đoạn từ 1 tuổi, mẹ có thể sử dụng đèn pin nhỏ, cách mắt bé khoảng 50 cm soi thẳng vào sống mũi vùng 2 khóe mắt. Sau đó mẹ quan sát sự phản chiếu ánh sáng đèn pin trong giác mạc.
Hai mắt bình thường: Tâm ánh sáng đèn pin phản chiếu vào đúng trung tâm tròng đen của cả 2 mắt bé.
Mắt bé bị lác: Tâm ánh sáng đèn pin không chiếu đúng trung tâm ở cả 2 mắt hoặc chỉ có một mắt phải chiếu đúng.
Việc phát hiện sớm bệnh lác ở trẻ có vai trò lớn trong việc điều trị bệnh lác bởi nếu được chữa trị trước 3 – 4 tuổi, khả năng phục hồi mắt là 92%; từ 6 – 8 tuổi là 68% và sau 10 tuổi thì khả năng phục hồi chỉ còn 18%.
Phục hồi mắt lác ở đây không chỉ là giúp mắt cân bằng, lấy lại vẻ thẩm mỹ mà còn giúp trẻ điều trị nhược thị, tăng thị lực ở mắt lác. Để mắt trở về trạng thái bình thường nhất. Điều này ảnh hưởng lớn đến thể chất cũng như hoàn thiện nhân cách trẻ sau này.
Cách chữa trị bệnh lác mắt ở trẻ em
Nhiều người cho rằng chỉ có thể chữa trị bằng cách mổ mắt lác. Thực tế cho thấy không phải tất cả các trường hợp lác mắt đều phải mổ mới mang lại hiệu quả. Đối với các trường hợp lác dẫn tới nhược thị do viễn hoặc cần thì cần chữa trị nhược thị bằng cách chỉnh độ kính phù hợp cho mắt. Có thể kết hợp các phương pháp khác nhau như: bịt mắt lành cục bộ, phục thị tập luyện và phẫu thuật mắt… tùy vào tình trạng bệnh.
Rất nhiều trường hợp trẻ được phát hiện mắt lác từ sớm và điều trị bằng cách phối hợp bịt mắt tốt và cho đeo kính có thể trị khỏi lác trong vòng 6 tháng đến 2 năm. Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng cho các trẻ trong giai đoạn từ 4 – 5 tuổi.
Lác mắt ở trẻ em là bệnh lý không những gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới thị lực của cả 2 mắt. Chính vì thế, cha mẹ cần phát hiện kịp thời để sớm giúp trẻ điều trị, phục hồi chức năng mắt, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tâm hồn.