Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng khoa Nhi (Đại học Y Hà Nội) cho biết, viêm đường hô hấp là một bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây không phải là một bệnh đơn lẻ mà gồm tổ hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản...
Thực tế, không ít phụ huynh khi thấy con có biểu hiện bệnh là sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng, đây không phải là cách tốt để bảo vệ đường hô hấp cho trẻ. Dưới đây là một số biện pháp cha mẹ nên áp dụng.
Vệ sinh đường hô hấp trên
Vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ là cần thiết bởi hệ miễn dịch còn non yếu, chưa đủ khỏe mạnh để chống lại những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.
Việc vệ sinh đường hô hấp cần thực hiện cẩn trọng và đúng quy trình tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Chuyên gia khuyên dùng nước muối sinh lý đẳng trương, dạng đơn liều, dạng ống với đầu được thiết kế nhỏ, vừa vặn cho trẻ sơ sinh, tù và mịn. Điều này sẽ có ích bởi không làm xây xước cho niêm mạc mũi của trẻ và tránh lây nhiễm chéo.
|
Để hệ hô hấp của trẻ khỏe mạnh, hàng ngày, cha mẹ nên chú ý vệ sinh khu vực tai, mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Ảnh: Shutterstock.
|
Giữ ấm đường thở
Khi đường thở của trẻ bị lạnh là lúc miễn dịch tại chỗ suy yếu. Vì vậy, việc giữ ấm cho trẻ là điều cần thiết khi thời tiết nóng lạnh thất thường. Phụ huynh có thể giữ ấm đường thở cho trẻ bằng cách không để điều hòa nhiệt độ thấp so với môi trường bên ngoài.
Tiêm phòng văcxin
Tiêm chủng là biện pháp thiết lập hệ miễn dịch chủ động cho trẻ, giúp cơ thể tập dượt cách chống lại các bệnh nguy hiểm. Hiện có hơn 20 loại văcxin phòng lao, sởi, quai bị, thủy đậu, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm phổi, tiêu chảy, cúm mùa... mà mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.
Bú sữa mẹ 6 tháng đầu đời
Sữa mẹ cung cấp rất nhiều kháng thể cho sự hoàn thiện hệ thống miễn dịch ở trẻ. Lượng kháng thể trong sữa mẹ nhiều nhất là trong 6 tháng đầu, vì vậy việc cho trẻ bú mẹ trong thời gian này là việc làm cần thiết để nâng cao sức đề kháng của trẻ.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, các bà mẹ trên toàn thế giới nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu nhằm giúp trẻ đạt được sức khỏe, tăng trưởng và phát triển tối ưu. Sau đó, trẻ cần được ăn bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.