Con bị tay chân miệng lại nghĩ dị ứng da
Khi trẻ bị TCM cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không để trẻ gãi hay chà xát mạnh ở chỗ ngứa để tránh bị nhiễm trùng.
Chị Hoàng Minh Trang (ở Nam Định) đang chăm con hơn 18 tháng tuổi bị TCM. Chị cho biết, trước đó con chị bị nổi ban đỏ ở TCM nhưng gia đình không hề nghĩ cháu bị TCM. Gia đình cứ nghĩ cháu nổi các vết ban là do bị dị ứng da thôi vì cơ địa cháu mỗi khi thời tiết thay đổi cũng hay bị dị ứng nên để cháu ở nhà mà không đưa đi khám.
Đến khi thấy cháu sốt cao quá cho uống thuốc cũng không hạ, miệng lại xuất hiện vài nốt chấm đỏ nên mới vội đưa cháu vào viện. Lúc này bác sĩ bảo cháu bị TCM độ 2A giờ đã chuyển sang độ 3, huyết áp tăng, nhịp thở nhanh… Việc điều trị của cháu khó khăn hơn.
Khi trẻ bị TCM cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không để trẻ gãi hay chà xát mạnh ở chỗ ngứa để tránh bị nhiễm trùng. Ảnh: T.L
Trường hợp của chị Trang không phải là ít gặp. Trao đổi với PV, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng I, TPHCM) cho biết, bình thường Khoa vẫn điều trị nội trú cho 30 - 40 trẻ. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều dưới 3 tuổi, có một số trẻ diễn biến tăng nặng do bố mẹ chủ quan nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác nên đưa trẻ vào viện muộn như nhầm với côn trùng đốt, dị ứng da, thủy đậu… do xuất hiện các nốt ban hồng trên da.
Khi bị dị ứng cơ thể xuất hiện các ban hồng, ban đa dạng nổi từng mảng có kèm theo ngứa, không có phỏng nước, có thể xuất hiện ở khắp cơ thể hoặc một khu trú nào đó. Bệnh TCM đôi khi chỉ là các nốt ban nhỏ, sau đó trở thành bọng nước. Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.
Bệnh thủy đậu xuất hiện các phỏng nước rải rác toàn thân, có xu hướng dày hơn ở bụng, ngực, thưa hơn ở lòng bàn chân, lòng bàn tay gần như không có. Trong khi đó, các nốt phỏng ở TCM thường chỉ khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở miệng hoặc vùng mông, khớp gối. Các phỏng nước trong thủy đậu thường gây ngứa và đau khi ấn lên. Còn phỏng nước ở TCM thường không gây ngứa, chỉ đau khi có trợt loét.
Ngoài ra, không ít trường hợp cha mẹ còn nhầm bệnh với viêm loét miệng do nhầm lẫn các bệnh có biểu hiện loét miệng khác như viêm loét miệng. Với viêm loét miệng thường có vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát. Còn bệnh TCM, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Đưa trẻ đi khám ngay khi cơ thể xuất hiện các nốt
BS Trương Hữu Khanh cho hay, dấu hiệu đặc trưng của TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Phần lớn các trường hợp bệnh TCM không cần vào viện vì triệu chứng sẽ hết trong vòng 7 ngày. Nhưng nếu không chăm sóc đúng cách hoặc phát hiện muộn, bệnh có thể trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, phù phổi cấp, biến chứng não…
Đáng ngại nhất là biến chứng về thần kinh, lúc đó trẻ có những biểu hiện như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình chới với, run tay run chân, đi đứng loạng choạng… Trong trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời, tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc điều trị cũng rất tốn kém, nhiều trường hợp lên đến cả trăm triệu đồng.
Để tránh trường hợp nhầm lẫn với các bệnh lý khác gây biến chứng nặng, khi thấy cơ thể nổi nốt mà đang mùa TCM, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và bị nổi nốt ở những vị trí đặc biệt như lòng bàn chân, bàn tay, mông gối hoặc loét miệng thì đừng nghi ngờ là côn trùng đốt hay dị ứng da mà nên đi khám sớm để xác định bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu như giật mình, tay chân yếu, đi đứng loạng choạng… thường là dấu hiệu muộn. Còn những trường hợp thông thường thì có thể tái khám gần nhà hai ngày một lần, trẻ có sốt thì ngày một lần không cần phải lên tuyến trên.
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, trong suốt quá trình chăm sóc cha mẹ nên cho con ăn những chất ăn lỏng, không cay nóng vì miệng bé đang bị tổn thương khiến vết loét miệng trầm trọng hơn. Cần cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Ở nhà cần vệ sinh đồ chơi của trẻ để tiêu diệt virus gây bệnh. Các bậc phụ huynh vẫn cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường để tránh nhiễm trùng.
Các chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo, trường hợp trẻ bị dị ứng da, mẩn ngứa cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không để bé gãi hay chà xát mạnh ở chỗ ngứa để tránh bị nhiễm trùng. Tắm rửa cho trẻ hàng ngày. Ngâm vùng da bị dị ứng nặng trong nước ấm 15-20 phút, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nên cho trẻ mặc những bộ đồ thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để tránh việc các vết mẩn ngứa bị hầm bí càng lâu lành hơn. Nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng cần đưa bé đến gặp bác sĩ.
Bệnh TCM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh là quan trọng. Cách phòng bệnh tốt nhất cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh…; Che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi; Bảo đảm nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng trong gia đình và đồ chơi của trẻ...
|