Vừa được người bà con cho tiền mua quà bánh, bé trai L.H.P. 4 tuổi liền đi mua một gói nhỏ có dạng hạt, rất nhiều màu về chơi. Sau đó cậu bé ngậm hạt vào miệng và nuốt lúc nào không hay. Sau đó, bé nói với mẹ đã nuốt hạt sắc màu vào bụng.
Qua khám lâm sàng, siêu âm, bác sĩ nhận thấy món đồ chơi nhiều màu này chính là hạt trương nở bằng nhựa. Chúng nở rất to khi gặp nước, gây ngộ độc.
May mắn, bệnh nhi nhập viện sớm, hạt trương chưa nở ra kịp nên bụng bé không trương phình, ngộ độc hay nôn ói, đi tiêu được nên bác sĩ cho bé tống dị vật ra ngoài bằng đường tự nhiên.
Theo mẹ của bé, lúc con trai mình mua hạt này về, chị nghĩ đây là kẹo trái cây vì thấy có nhiều màu, đến khi con nói “kẹo” này có thể nở to nên đến bệnh viện kiểm tra.
Không may mắn như trường hợp trên, bé L.T.T.T. (1 tuổi, nhà ở Bình Phước) được chị dùng tiền lì xì mua tặng gói đồ chơi. Trong lúc chơi, bé nuốt một hạt nhựa nhỏ rơi từ món đồ chơi ra.
Phát hiện bé T. nuốt dị vật nhưng người nhà chủ quan không đưa bé đi khám bệnh vì nghĩ hạt đồ chơi nhỏ, bé sẽ thải ra ngoài khi đi tiêu.
Hai ngày sau khi nuốt dị vật, bé T. nôn ói liên tục, không ăn uống được, bụng trương to, đau quặn từng cơn và không thể đi ngoài. Lúc này, người nhà mới ẵm bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tìm nguyên nhân.
Tại đây, các bác sĩ chụp X-Quang, siêu âm bụng, phát hiện ruột bé bị tắc nhưng không thấy dị vật. Cuối cùng bác sĩ quyết định đưa bé vào phòng mổ vì nếu dị vật ở lâu trong bụng có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng.
Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ thấy phần ruột bị tắc ở cuối vị trí ruột non, đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị phình rất to. Dị vật là loại chất dẻo trong suốt, hình tròn, đường kính 2,5cm, bịt kín đường ruột khiến bé T. đau đớn những ngày qua. Dị vật nghi ngờ là hạt trương nở.
Theo bác sĩ CKII Phan Ngọc Duy Cần – Trưởng khoa Điều trị trong ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM: Trẻ từ 2-5 tuổi dễ bị tai nạn từ hạt trương nở ở những ngày tết vì lúc này trẻ được người lớn lì xì tiền.
Loại hạt này có nhiều màu sắc, hình dạng như viên kẹo nên không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng lầm tưởng và ít để ý khi con em mình mang ra chơi. Những trẻ lớn hơn có thể mua về chơi vì hạt trương nở có giá rẻ, dễ mua, trước cổng trường học, hay tiệm tạp hóa đều có bán.
Bác sĩ Cần cho biết: “Hạt trương nở khi gặp nước sẽ nở rất to, từ một hạt nhựa nhỏ có đường kính 0,2cm, bỏ vào trong nước sẽ nở to gấp 7 lần, có loại nở to hơn tùy vào cấu tạo. Vì vậy, nhiều trường hợp người lớn thấy bé ngậm, nuốt vẫn chủ quan nghĩ đồ chơi nhỏ không sao, nhưng một khi vô tình để hạt trương nở rơi vào đường hô hấp, hạt nhựa sẽ giãn nở ra, làm nghẹt thở, có thể dẫn tới tử vong.
Vì trong suốt nên hạt trương nở cũng rất khó phát hiện qua siêu âm, X-Quang gây kéo dài thời gian chẩn đoán và điều trị nếu trẻ nuốt chúng. Chỉ trong 1 tháng gần đây, khoa tiếp nhận 3 trẻ nuốt hạt trương nở, may mắn các bé được đưa vào bệnh viện sớm nên bác sĩ kịp thời xử lý. Tuy nhiên, nhiều loại hạt trương nở chỉ cần hít mùi cũng gây ngộ độc”.
Hạt trương nở là gì?
Hạt trương nở còn gọi là hạt tinh thể, hạt tinh thể trân châu, hạt kim cương,… công thức hóa học là một loại polimer có chứa tinh bột. Tùy theo giá thành, hạt trương có nhiều loại, màu, mùi khác nhau. Hạt nở có khả năng hấp thụ nước rất cao. Sau khi hút nước, hạt trương nở có thể to lên từ 10 đến 200 lần kích thước ban đầu.
Phụ huynh cho rằng đây một loại đồ chơi nhựa vô hại, có nhiều màu sắc rực rỡ, giá rẻ nên mua về cho con chơi, để con tự mua theo sở thích đồ chơi của con, dùng hạt trương nở để trang trí chậu hoa thủy tinh hoặc xem chúng là phân bón, nguồn nước để trồng cây kiểng.
Tại Việt Nam, các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp trẻ phải vào nhập viện cấp cứu vì nuốt hạt trương nở. Thậm chí trong một số trường hợp, chỉ hít mùi của hạt trương nở đã khiến người chơi bị ngộ độc. Cụ thể, tháng 12/2017, gần 30 học sinh, giáo viên tại trường THCS Quảng Phong, Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, co giật sau khi tiếp xúc với loại đồ chơi này.