Với trẻ nhỏ, ho, sổ mũi, ốm vặt là chuyện như cơm bữa, vậy nên nhiều khi ba mẹ khó mà phân biệt được những triệu chứng ấy có nghiêm trọng đến mức cần đưa các bé đi bệnh viện hay không. Chẳng ai muốn bị người khác coi là người làm cha mẹ bảo bọc con thái quá, chuyện bé xé ra to, làm tốn thời gian của bác sĩ, chưa kể đến nguy cơ lây nhiễm chéo khi đi viện. Tuy vậy nếu ba mẹ nhận thấy các bạn nhỏ có một trong 10 dấu hiệu bệnh sau đây thì hãy cho trẻ đi viện khám ngay lập tức kẻo hối không kịp.
Hãy nhớ rằng đây chỉ là gợi ý. Bạn vẫn là người hiểu con mình hơn ai hết và nếu bạn lo lắng, hãy cứ đưa con đi khám.
1. Mặt bị sưng phù
Mặt sưng có thể là dấu hiệu trẻ bị dị ứng hoặc sốc phản vệ (Ảnh minh họa).
Mặt của con có phù không? Lưỡi của trẻ có sưng không? Bé có thấy ngứa không? Bé có thấy khó thở không? Có thể trẻ đang bị sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra khi bị côn trùng cắn hay ăn đồ ăn mà bé dị ứng như lạc chẳng hạn. Đây là trường hợp cấp cứu y khoa và cần được điều trị ngay lập tức. Gọi đường dây nóng cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.
2. Thân nhiệt cao
Trẻ nhỏ rất dễ bị ho, cảm lạnh và cũng thường bị sốt nữa - tức là khi thân nhiệt trên 37.5°C. Một số bệnh khác như cảm cúm hoặc viêm tai cũng có thể gây sốt. Trong đa số trường hợp, trẻ chỉ cần được ba mẹ chăm sóc, uống paracetamol hoặc ibuprofen là đủ. Cố gắng cho trẻ uống thêm nước từng chút một và uống thường xuyên để đảm bảo lượng nước trong cơ thể luôn đầy đủ.
Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bé dưới 3 tháng tuổi mà sốt cao từ 38°C trở lên, hoặc từ 3 đến 6 tháng mà sốt cao từ 39°C trở lên. Liên lạc với bác sĩ gia đình hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám nếu trẻ sốt và có những dấu hiệu bệnh đi kèm như liên tục nôn trớ, bỏ ăn, lờ đờ, buồn ngủ. Cuối cùng, hãy tin tưởng bản năng của người làm cha mẹ. Nếu bạn thấy con bị ốm, hãy đưa bé đi khám.
3. Sốt cao kéo dài
Nếu trẻ sốt cao kéo dài, nguyên nhân rất có thể là do vi khuẩn và cần điều trị bằng kháng sinh (Ảnh minh họa).
Nếu bạn đã cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen khi trẻ sốt mà nhiệt độ vẫn không giảm, hãy đưa trẻ đi khám. Thân nhiệt cao không hạ có thể do viêm nhiễm và bạn cần đi khám mới biết được tình hình cụ thể.
Đa số trẻ sẽ hết sốt sau một vài ngày, còn nếu không hãy cho trẻ đi khám bởi đó là dấu hiệu nguyên nhân gây bệnh không phải là virus mà hệ miễn dịch của bé có thể kháng lại hoặc là do vi khuẩn, cần điều trị kháng sinh.
4. Thân nhiệt cao kèm theo cứng cổ, đau đầu
Nếu con bạn bị sốt, thấy khó chịu trong người và đau đầu cứng cổ, đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não và bạn phải đưa bé đến cơ sở y tế ngay. Những dấu hiệu khác cần chú ý là con không phản ứng với các kích thích và không thích đèn sáng. Có thể xuất hiện phát ban thành từng mảng với các điểm nhỏ màu đỏ. Khác với phát ban thông thường, những vệt đỏ sẽ không mờ đi khi có lực tác động vào. Tuy vậy điều này cũng không xảy ra trong mọi trường hợp.
5. Không thể cầm máu
Trẻ con nghịch ngợm nên bị ngã là chuyện rất bình thường, chỉ cần dán urgo và một cái ôm là xong. Nhưng nếu con bạn bị chảy máu nhiều mà bạn không thể cầm máu sau khi sơ cứu thì bé cần được hỗ trợ y tế và khâu lại vết rách.
6. Trẻ bị nôn trớ sau khi bị ngã
Khi trẻ bị ngã, đôi khi bạn không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng của vết thương. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, nếu là ngã từ vị trí thấp (thấp hơn nửa chiều cao của trẻ) và không chạm vào vật sắc nhọn thì bé chỉ bị đau nhẹ và khóc thôi. Nhưng nếu sau cú ngã mà trẻ nôn, bất tỉnh, choáng thì cần đưa bé đến viện. Với những bé dưới 6 tháng tuổi, bé cần đi khám bác sĩ ngay nếu bị ngã.
7. Đau bụng đột ngột
Bạn cần lưu ý khi trẻ kêu đau bụng ở bụng dưới bên phải, đặc biệt nếu cơn đau nhiều và liên tục (Ảnh minh họa).
Đau bụng có thể tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ. Cần xác minh xem bé đau bụng thật hay giả vờ đau để không phải đi học. Bạn cần lưu ý khi trẻ kêu đau bụng ở bụng dưới bên phải, đặc biệt nếu cơn đau nhiều và liên tục.
Đây có thể là vì bé bị viêm ruột thừa và sẽ cần được can thiệp y tế gấp. Nếu trẻ bị đau thắt thành cơn không liên tục, bạn cần cẩn thận bởi viêm ruột thừa bắt đầu ở vùng quanh rốn và chuyển dần sang bên phải. Biểu hiện là bé bỏ ăn, thấy mệt và có thể bị tiêu chảy.
8. Khó thở
Nếu trẻ khó thở, đồng thời lồng ngực và bụng hóp vào hoặc có tiếng khò khè thì bạn cần đưa trẻ đi khám. Những biểu hiện này có thể đi kèm với tình trạng môi tím tái. Nguyên nhân có thể là viêm thanh khí phế quản hoặc viêm phế quản dạng nặng (một dạng viêm với những triệu chứng giống như cảm lạnh, chảy nước mũi, ho).
Triệu chứng bệnh viêm phế quản ở trẻ bao gồm chán ăn (trẻ chỉ ăn được nửa lượng thông thường trong hai, ba bữa gần nhất), trẻ không đi vệ sinh trong vòng hơn 12 giờ hoặc hơn, sốt cao và nhịp thở ở mức 50-60 nhịp mỗi phút.
9. Trẻ không đi tiểu
Chú ý dấu hiệu mất nước ở trẻ (Ảnh minh họa).
Nếu bạn nhận thấy trẻ đột nhiên không đi tè hoặc tè ít hơn bình thường rất nhiều, đây có thể là dấu hiệu trẻ bị mất nước và cần khám bác sĩ. Những dấu hiệu khác cần chú ý là thóp lõm xuống, da khô và không đàn hồi khi bạn ấn xuống. Mất nước có thể xảy ra khi nôn trớ hoặc tiêu chảy, nên cần cho trẻ uống nhiều lần, mỗi lần một ít.
10. Các nốt ruồi trên người bé thay đổi
Mặc dù tình trạng ung thư da ít gặp ở trẻ nhỏ so với người lớn nhưng không phải là không có nên vẫn cần chú ý đến các nốt ruồi trên người trẻ. Hãy tạo thành thói quen kiểm tra các nốt ruồi một tháng một lần, cả những nốt có từ khi sinh ra và những nốt mới xuất hiện.
Những nốt ruồi có hình dạng bất thường hoặc khô, sần, nhô cao, to dần hoặc có màu sắc bất đồng thì cần được bác sĩ thăm khám xem xét.