Hẳn ai cũng biết muỗi là loại côn trùng phiền toái, gây bệnh nguy hiểm đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt, vết đốt để lại trên cơ thể trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chủ yếu do muỗi. Chúng không chỉ gây ra những vết sưng gây ngứa ngáy, mà còn mang mầm bệnh như bệnh siêu vi trùng West Nile và gây tiêu chảy. Gần đây, dịch bệnh do virus Zika gây ra cũng do muỗi mang mầm bệnh. Những mẹo nhỏ sau đây từ Hello Bacsi sẽ giúp bạn bảo vệ bé yêu khỏi muỗi đốt và những bệnh do muỗi gây ra.
1. Mặc quần áo bảo vệ bé khỏi muỗi đốt
Ngay cả khi thời tiết ấm áp, hãy đảm bảo tay và chân con bạn được quần áo phủ kín. Những bộ quần áo dài tay và vớ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ con bạn bị muỗi đốt. Nhiều chuyên gia cho rằng quần áo có màu sắc tươi sáng sẽ khúc xạ nhiệt, trong khi những màu nóng và họa tiết hoa sẽ thu hút côn trùng.
2. Thoa kem chống muỗi lên quần áo của bé
Bạn nên nhẹ nhàng xịt trực tiếp vào quần áo bé hoặc cho kem vào lòng bàn tay và thoa dịu dàng lên da bé. Bạn hãy tìm những sản phẩm chống muỗi có thành phần geraniol, picaridin hoặc dầu khuynh diệp. Tránh để kem chống muỗi tiếp xúc vào mắt và bàn tay của trẻ. Khi chọn kem chống muỗi, bạn cần lưu ý:
- Kem chống muỗi có chứa DEET (tên viết tắt của hợp chất N, N – Diethyl – meta- toluamide hay còn gọi là Diethyltoluamide, được dùng phổ biến trong các sản phẩm chống và diệt côn trùng, muỗi…) thường mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) yêu cầu kem chống muỗi dành cho em bé và trẻ nhỏ không được chứa 10% DEET. Hóa chất này hấp thụ qua da và sẽ gây hại cho da bé nếu dùng quá nhiều. Tuyệt đối không dùng sản phẩm có chứa DEET cho trẻ dưới hai tháng tuổi.
- Không cho sản phẩm có chứa DEET bên trong quần áo của trẻ, nhằm tránh cho da bé tiếp xúc quá nhiều hóa chất.
3. Sử dụng lưới chống muỗi thông dụng trong phòng của trẻ
Cách tốt nhất để bảo vệ bé là phủ lưới chống mũi bao quanh bên ngoài ghế ngồi ô tô, xe đẩy trẻ em và những nơi trẻ hay ngồi chơi đùa. Khi trẻ ngủ, bạn cũng đừng quên giăng mùng quanh nôi.
Bên cạnh đó, muỗi thường tìm cách bay vào nhà nếu bạn không cẩn thận che chắn, nhất là khi bạn để cửa sổ mở vào buổi tối, thời điểm muỗi xuất hiện nhiều hơn. Thay vì để cửa sổ mở cho thoáng mát, hãy dùng quạt khi trẻ ngủ. Gió thổi từ quạt vừa giúp tránh muỗi tiếp cận bé, vừa mang đến không khí mát mẻ giúp bé yêu ngủ thật ngon.
4. Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ
Muỗi thường đẻ trứng ở những chỗ nước bẩn tù đọng, do đó bạn luôn phải che kín các thùng, xô đựng nước. Bạn cũng không nên để nước trong bình hoa, bình nước uống, chậu rửa chén quá lâu, vì trứng muỗi sẽ nở trong vòng 7 đến 10 ngày. Thêm vào đó, hãy nhớ thay nước thường xuyên ở những bình, xô, chậu, lu đựng một lần một tuần. Khi súc rửa, đừng quên lắc mạnh để đẩy trứng muỗi còn bám trên thành trôi ra khỏi bình.
Đối với các máng nước, vũng nước nhỏ hoặc những nơi có nước tù đọng quanh nhà, bạn nhớ thêm vài giọt dầu hôi vào vì dầu sẽ tạo lớp váng mỏng ngăn muỗi đẻ trứng trên mặt nước. Bạn cũng nên vứt các vật dụng cũ không còn sử dụng như lon thiết, chai lọ quanh nhà. Lá khô có thể đọng nước mưa, trở thành nơi cho muỗi trú ngụ và đẻ trứng nên cũng cần được quét dọn thường xuyên.
Nếu sơ ý để trẻ bị muỗi đốt, mẹ có thể áp dụng các cách sau để giảm sưng ngứa cho bé:
– Bôi dầu khuynh diệp hoặc nước muối lên nốt muỗi đốt.
– Dùng đá viên chườm vào vết đốt làm dịu sưng tấy.
– Sử dụng khoai tây cắt lát xoa v đốt muỗi đốt.
– Dùng nước cốt chanh thoa vào vết muỗi đốt
Việc phòng tránh và chữa trị muỗi đốt cho bé vô cùng quan trọng. Nếu không cẩn thận, bé rất dễ bị lây truyền các căn bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết. Chính vì vậy mẹ nên chú ý quan sát và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ làn da bé yêu nhé.