(DDCB) Do di truyền hoặc những biến đổi bất thường của một số loại gen khiến một số trẻ có nguy cơ cao phát triển ung thư. Vì thế, sàng lọc và theo dõi các biểu hiện bất thường là cách phát hiện kịp thời các dấu hiệu của bệnh ung thư ở trẻ.
Sàng lọc ung thư cho trẻ em
Sàng lọc là cách thức phát hiện các bệnh nói chung và bệnh ung thư nói riêng khi người bệnh chưa có triệu chứng cụ thể. Trẻ có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư thường do sự biến đổi bất thường của một số loại gen hoặc di truyền từ bố mẹ. Mặc dù bệnh ung thư ở trẻ khá hiếm nhưng tiến hành các xét nghiệm sàng lọc với trẻ có nguy cơ cao là điều cần thiết.
Ảnh 1 : Bố mẹ cần để ý tới các dấu hiệu và triệu chứng lạ ở trẻ
Một số dấu hiệu và triệu chứng mẹ cần chú ý
Sự quan tâm, chú ý của bố mẹ tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ giúp phát hiện sớm bệnh ung thư. Tuy vậy, các dấu hiệu của bệnh ác tính rất khó phát hiện bởi dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện của chấn thương gây ra.
Lý do là trẻ vốn tính hiếu động, không tránh té ngã, va chạm nên vết bầm tím làm che mờ đi dấu hiệu sớm của bệnh. Vì thế, ngoài việc cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, bố mẹ cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ như:
- Một vết sưng bất thường trên cơ thể trẻ.
- Trẻ xanh xao, thường xuyên mệt mỏi không giải thích được
- Trẻ dễ bị bầm tím
- Thường xuyên bị đau ở một vị trí trên cơ thể.
- Đi khập khiễng
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân
- Nhức đầu kèm theo nôn ói
- Thay đổi thị lực bất thường
- Bé sụt cân không rõ nguyên nhân
Các triệu chứng trên thường dễ bị bỏ qua do nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh thông thường như sốt do nhiễm trùng, bầm tím do chấn thương,…. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiện trên không suy giảm, mẹ nên đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân, điều trị nếu cần thiết. Một vài xét nghiệm hình ảnh hay các xét nghiệm sinh thiết khác là cần thiết nếu nghi ngờ trẻ có nguy cơ ung thư, đặc biệt là khi trẻ xuất hiện các khối u bất thường.