1. Thế nào là sốt phát ban?
Sốt phát ban ở trẻ là tình trạng sốt do virus lành tính gây ra nhưng phần lớn không thể xác định được loại virus cụ thể. Hầu hết, trẻ bị sốt phát ban đều ở dạng nhẹ và có thể khỏi bệnh từ 5-7 ngày mà không để lại các biến chứng nặng.
Tuy vậy, khi con mắc bệnh này, nhiều mẹ vẫn không khỏi băn khoăn, lúng túng rằng làm sao biết trẻ bị sốt phát ban, trẻ bị như vậy thì nên làm gì?
2. Bệnh sốt phát ban có nguy hiểm không?
Đối với sức khỏe trẻ em, sốt phát ban là bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp nhất là khi trẻ theo học tại trường và hoạt động nhiều ở môi trường có tính tập thể.
Sau thời gian ủ bệnh, phát ban đỏ, bệnh tự khỏi trong vòng một tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Ngược lại, khi có các biến chứng viêm phổi, kiết lỵ hay viêm não sẽ rất nguy hiểm.
3. Triệu chứng sốt phát ban ở trẻ
Sau khi trẻ bị sốt cao từng cơn trong khoảng ba ngày đầu, thân nhiệt trẻ có thể lên đến 39-40 độ C. Kể từ ngày thứ 4 trở đi, trẻ sẽ dần hết sốt, ăn được trở lại. Tuy nhiên, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng mới:
- Nổi hạch khu vực đầu, mặt, cổ và sưng to, đau. Mẹ có thể dễ dàng nhìn hoặc sờ thấy.
- Ho, đau họng, chảy nước mũi, khó thở, mệt mỏi
- Da nổi ban đỏ: Ban nổi cùng lúc khắp cơ thể trẻ và sau khi lặn sẽ không để lại dấu vết gì. Để kiểm tra, mẹ có thể dùng hai ngón tay để căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu khi căng da, chấm đỏ mất đi, còn khi buông tay ra, chấm đỏ hồi phục ngay thì chính xác là ban đỏ do sốt phát ban gây ra. Tình trạng phát ban ở da sẽ kéo dài 3-5 ngày rồi lặn.
4. Một số biến chứng của sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban do virus sởi và virus gây bệnh rubella là 2 nguyên nhân thường gặp. Sốt do bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, sốt do bệnh rubella gọi là ban đào.
Biến chứng thường gặp của sốt phát ban do virus bệnh sởi thường diễn ra rất nhanh. Ngày đầu trẻ sốt cao, ngày thứ 2 ho rất nhiều, khản tiếng, viêm kết mạc. Vào cuối ngày thứ 2 bệnh có thể diễn biến thành viêm phổi nặng và thậm chí dẫn đến tử vong ngay sau đó.
Đối với biến chứng do virus rubella gây nên, trẻ có thể bị giựt kinh nếu nhiệt độ tăng nhanh bất thình lình. Nếu bị giựt kinh, trẻ sẽ bất tỉnh, tay chân giựt, mắt trợn lên khoảng vài phút. Khi điều này xảy ra, cha mẹ nên thực hiện những bước sơ cứu tại nhà theo các bước sau:
- Khi bị sốt cao, co giật trẻ không thể uống được thuốc hạ sốt nên phải nhanh chóng đặt thuốc hạ sốt bằng đường hậu môn, đối với trẻ 2 dưới 2 tuổi dùng viên viên paracetamol 80mg, trẻ lớn dùng viên 150mg
- Cha mẹ nhanh chóng đặt trẻ nằm ở nơi bằng phẳng, tạo không khí thông thoáng, nới lỏng quần áo cho trẻ, đặc biệt vùng cổ hoặc có thể cởi hết quần áo của trẻ
- Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt sạch nước và lau khắp người trẻ, đặc biệt vùng bẹn, nách, cổ trẻ và trán, lau đi lau lại liên tục cho đến khi trẻ hết cơn co giật
- Khi trẻ hết cơn co giật, cha mẹ nên cho con nằm nghiêng sang một bên, đầu kê gối ở vị trí an toàn, hơi ngửa để tránh dịch hậu môn vào phổi gậy nguy hiểm đến tính mạng trẻ
- Nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị sớm phòng tránh cơn co giật tái phát
Hiện nay, không có vaccine hay loại thuốc đặc trị nào để phòng ngừa bệnh phát ban. Vì vậy, cách tốt nhất là trẻ phải biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như bảo vệ mình ở những nơi đang có dịch bệnh: đeo khẩu trang đi học hay đi ra các khu vui chơi công cộng, tránh tiếp xúc với bạn bè đang có bệnh…
5. Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Khi con ốm đau, cha mẹ không thoát khỏi cảm xúc sốt ruột, lo lắng, tuy nhiên nếu mẹ nắm chắc những lưu ý này, mẹ sẽ góp phần đẩy lui bệnh cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Các mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, và chia làm nhiều bữa trong ngày. Ngoài ra, mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước và các loại nước hoa quả, vừa để tăng vitamin và khoáng chất, rất tốt cho quá trình hồi phục sức khỏe của trẻ, lại vừa tránh tình trạng mất nước và thiếu chất điện giải.
Các mẹ cũng cần lưu ý, hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn, nước uống có màu đỏ, màu đen để có thể phân biệt với màu máu khi trẻ bị xuất huyết tiêu hóa như nôn ói hoặc đi ngoài.
Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ
Dù trẻ mệt nhưng mẹ vẫn nên tắm rửa, lau người với nước ấm thường xuyên cho trẻ. Các chuyên gia y tế lý giải, làn da của trẻ bị sốt phát ban rất cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm. Nhất là ở những trẻ nhỏ có làn da mỏng manh, sức đề kháng kém mà trẻ lại thường gãi ngứa các nốt phát ban. Nếu không được vệ sinh mà để da bẩn, trẻ dễ bị viêm da, thậm chí bội nhiễm.