1. Bệnh chân tay miệng là gì?
Bệnh chân tay miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh gây ra bởi một số virus thuộc nhóm đường ruột, thường là virus Coxsackie A16 và virus đường ruột tuýp 71 (EV71). Trong đó virus EV71 có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong.
Chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh minh họa.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch của các bé còn non yếu. Hầu hết người trưởng thành có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp đặc biệt, người lớn vẫn mắc bệnh chân tay miệng.
Dịch chân tay miệng thường bùng phát vào mùa xuân, hè và thu. Bệnh có khả năng dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não, viêm cơ tim và phù phổi.
2. Biểu hiện bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường bắt đầu với dấu hiệu sốt nhẹ, bé bỏ ăn, đau họng và cảm thấy mệt mỏi.
1-2 ngày sau khi sốt, các đốm đỏ phồng rộp, gây đau xuất hiện trong miệng bé, đặc biệt là hai bên lưỡi, bên trong má. Đốm đỏ cũng có thể xuất hiện trên nướu răng của con. Về sau các đốm đỏ này sẽ trở thành vết loét gây khó chịu và đau đớn.
Bé cũng có thể bị phát ban trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, và có thể ở mông. Ban đầu, vết phát ban thường là chấm đỏ nhỏ sau đó chuyển thành vết thâm hoặc đóng vảy. Phát ban không gây ngứa.
Các vết loét và phát ban thường biến mất trong một tuần hoặc lâu hơn.
Trong một số trường hợp, bệnh không có biểu hiện triệu chứng, hoặc biểu hiện rất nhẹ. Cha mẹ có thể bị bệnh từ con cái mà thậm chí không nhận ra.
3. Bệnh chân tay miệng ở trẻ em cần kiêng gì?
Cách ly trẻ
Bệnh chân tay miệng rất dễ lây lan vì vậy khi bé mắc bệnh, cha mẹ cần sớm cách ly con với người xung quanh. Nếu bé đang đi học thì hãy xin phép thầy cô để nghỉ ở nhà cho đến khi khỏe hẳn. Khi ở nhà bé nên ở trong phòng riêng, môi trường vệ sinh sạch sẽ và chế độ chăm sóc phù hợp sẽ giúp bé hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
Mẹ không nên cho bé ăn đồ đặc, cay và nóng. Ảnh minh họa.
Không cho con ăn thức ăn đặc, cay, nóng
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp bé có sức đề kháng tốt hơn để chống chọi với bệnh tật. Vì vậy mẹ không nên cho bé ăn đồ ăn đặc hoặc cay nóng vì sẽ khiến miệng con bị đau đớn, khó chịu. Các loại thực phẩm chua nhiều axit như cam, chanh cũng nên hạn chế. Bởi vì khi bị đau sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, bỏ ăn khiến sức khỏe suy giảm. Mẹ hãy nấu mềm thức ăn và để nguội cho bé ăn. Đồng thời cho con uống thêm khoáng chất và vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không ép trẻ ăn
Khi con từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép vì sẽ khiến bé sợ hãi. Thay vào đó có thể cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để bù lại. Mẹ cũng chú ý cho con ăn thêm nhiều hoa quả trái cây để tăng cường vitamin. Với các bé đang bú mẹ thì cần cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
Không cần kiêng nước
Khi bé mắc bệnh, ba mẹ vẫn tắm gội cho bé bình thường bằng nước ấm. Nhẹ nhàng lau rửa cho con để không làm vỡ các bọng nước. Việc tắm gội sạch sẽ hạn chế vi khuẩn giúp bé mau lành bệnh. Phòng tắm nên kín và được vệ sinh sạch sẽ.
Không dùng chung đồ chơi
Cha mẹ tuyệt đối không chia sẻ đồ chơi của con với các bé khác để phòng tránh lây lan bệnh. Khi bé bị tay, chân miệng mẹ cũng không nên cho bé ngậm đồ cắn hay ti giả. Các đồ dùng của bé phải được thường xuyên khử trùng và vệ sinh.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Khi bé mắc bệnh sẽ thường đau nên hay quấy khóc không chịu ngủ. Vì vậy mẹ cần dỗ dành, an ủi để bé ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi mới nhanh chóng lành bệnh. Đồng thời mẹ cũng cần theo dõi giấc ngủ của con để xem con có giật mình, khó chịu hay có dấu hiệu biến chứng gì không.
Lời khuyên của bác sĩ
Theo Bs.Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, TP.HCM, bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường bủng phát từ tháng 3-5 và tháng 9-12. Vì thế hiện nay đang là khoảng thời gian bệnh phát triển rất nhanh, cha mẹ cần phát hiện trẻ phát bệnh sớm để được đưa vào viện thăm khám kịp thời. Thông thường, bệnh chân tay miệng có những biểu hiện sau: trẻ có thể sốt nhẹ, bóng nước có kích thước 2-10mm, bỏ ăn,…
Hầu hết, bóng nước sẽ tự xẹp và khỏi sau 5-7 ngày. Còn bệnh do tác nhân enterovirus 71 sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho tim mạch hô hấp, thần kinh như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não,…
Trường hợp trẻ bị biến chứng não thường có dấu hiệu khó ngủ, quấy khóc, nói nhẩm, co giật,… Thậm chí, những biến chứng do chân tay miệng nếu không điều trị kịp thời, đúng có thể khiến trẻ tử vong trong vài giờ.
Phụ huynh có con mắc bệnh chân tay miệng cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định. Ngoài ra, trẻ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm ở phòng kín.
Để phòng bệnh chân tay miệng, Bs. Khanh khuyến cáo cha mẹ phải rửa sạch bàn tay của trẻ và cơ thể bằng nước, xà phòng. Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ không nên cho đến trường; trẻ mắc bệnh phải nghỉ học 7-10 ngày để thực hiện khử khuẩn.