Đối với mọi quốc gia sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới là rất thiêng liêng. Do biến thiên của các nhân tố lịch sử, chính trị và thiên nhiên, vấn đề biên giới luôn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp và nhạy cảm. Nước ta có đường biên giới trên đất liền với 3 quốc gia là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đường biên giới đó hình thành trong suốt chiều dài lịch sử từ thời Văn Lang cho tới ngày nay và trải qua không ít biến động.
Một quốc gia hình thành bởi ba thành tố cơ bản là “Lãnh thổ”, “Nhà nước” và “Dân cư”. Trong đó, yếu tố biên giới- lãnh thổ là nền tảng đầu tiên. Bản chất vấn đề biên giới- lãnh thổ là hệ trọng và hết sức nhạy cảm, việc bảo vệ sự vẹn toàn biên giới- lãnh thổ luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, dân tộc. Biên giới là một sáng tạo pháp lý để ngăn cách chủ quyền hai bên. Vì biên giới gắn liền với vấn đề lãnh thổ nên có tính chất thiêng liêng.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành mối quan tâm lớn lao và sâu sắc tới vấn đề biên giới, vừa nhằm giữ vững biên cương và sự vẹn toàn lãnh thổ do bao đời ông cha ta gây dựng nên, vừa bảo toàn và tích cực chủ động giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ với các nước làng giềng, biến đường biên giới quốc gia thành đường biên giới hòa bình hữu nghị.
Tuy nhiên, không ít người chưa hiểu rõ, thậm chí hiểu sai vấn đề biên giới, trong khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại tìm mọi cách xuyên tạc sự thật lịch sử biên giới nước ta.
Thời đại ngày nay là thời đại hội nhập, kinh tế ngày nay là kinh tế toàn cầu hóa, khu vực hóa. Nhiều vấn đề đòi hỏi sự hợp tác của cộng động quốc tế. Việc mở rộng mậu dịch, hợp tác công nghiệp, nông nghiệp, du lịch đòi hỏi mở rộng biên giới. Mở rộng biên giới là mở rộng sự hợp tác, việc giao lưu không phải là coi nhẹ chủ quyền, an ninh. Mở rộng biên giới là nới rộng thể thức qua lại biên giới, bỏ bớt những thủ tục rườm rà, chặt chẽ không cần thiết, giảm bớt mức thuế, dùng kỹ thuật cao kiểm soát những chất gây cháy nổ, những hàng hóa nhập lậu, những chất phóng xạ, ngăn chặn di cư trái phép. Giữa hai nước phát triển, lĩnh vực hợp tác rất nhiều: môi trường, hợp tác kinh tế địa phương, năng lượng, việc làm và các vấn đề xã hội, đầu tư công nhiệp và nông nhiệp, đô thị hóa, sử dụng nguồn nước, vấn đề đi lại trên sông hồ biên giới, việc đánh cá, chống tiếng ồn, quy hoạch xây dựng, vấn đề bảo vệ thực vật, thú rừng, hợp tác y tế, văn hóa, thể thao, giải trí./.