Trái thơm thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn quả thật là các mắt dứa. Bên cạnh hai tên gọi trên, trái thơm còn có một tên gọi nữa là trái Huyền Nương, gắn liền với sự tích về nàng Huyền Nương, vì một câu nói lỡ miệng của mẹ mình mà biến thành trái thơm nhiều mắt. Các bé hãy cùng Vườn cổ tích tìm hiểu sự tích trái thơm nhé.
Ngày xửa ngày xưa, có một bà góa phụ, gia đình cũng không phải giàu sang phú quý nhưng lại hay chanh chua, soi mói chuyện thiên hạ. Vì thế mà người trong làng không mấy ai có thiện cảm với bà.
Bà có một cô con gái tên là Huyền Nương. Huyền Nương tuy đã mười lăm tuổi nhưng không biết gì về công việc bếp núc, may vá thuê thùa, suốt ngày chỉ ham thích ca hát.
Một hôm, mẹ Huyền Nương ốm nặng không thể đi đâu. Vì thế mà Huyền Nương phải thay mẹ vào bếp nấu cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, và đun cháo cho mẹ. Vì thường ngày không bao giờ phải làm gì nên lúc vào bếp, cô lúng túng không biết phải làm thế nào. Chốc cái cô lại gọi mẹ hỏi:
– Mẹ ơi, gạo để đâu? Mẹ ơi, cục đá để đánh lửa mẹ để đâu?
– Mẹ ơi, nước đổ vào nồi như vậy vừa chưa. Mẹ ơi, cái gàu múc nước mất rồi …
Đang ốm, lại bị gọi liên tục, người mẹ lấy làm bực mình lắm, nên nói lẫy:
– Mẹ ước gì con có thật nhiều mắt để tự kiếm những đồ dùng đặng khỏi kêu nheo nhéo suốt ngày làm chói cả tai.
Huyền Nương nghe mẹ nói giận mới hỏi lại:
– Mẹ hết thương con rồi sao?
Bà ta không thèm nhìn Huyền Nương mà chanh chua càu nhàu:
– Thương nỗi gì, không có con cũng chẳng sao.
Bỗng nhiên giữa không gian có tiếng nói khàn khàn:
– Lời ước của người mẹ không biết thương con sẽ thành sự thật.
Người mẹ kinh sợ, nhìn sau trước không thấy ai thì sinh nghi, bà liền gượng đứng dậy đi xuống bếp tìm Huyền Nương, nhưng không thấy nàng đâu nữa. Bà sợ sệt đi thẳng ra vườn cất tiếng gọi: “Huyền Nương! Huyền Nương!” Không một tiếng trả lời. Bà rên rỉ: “Trời ơi! Huyền Nương đâu mất rồi”.
Bà tiếp tục chạy đi tìm con thì thấy ở một bụi cây cao trong vườn đôi hài cỏ của Huyền Nương. Từ bụi cây trổ ra một trái rất kì lạ, có rất nhiều mắt xung quanh và tỏa ra hương thơm nồng nàn.
Nước mắt bà trào ra, bà đau lòng nói:
– Huyền Nương! Mẹ đã hiểu vì sao rồi.
Sau tiếng than của bà, từ trong trái lạ phát ra tiếng khóc nỉ non. Da trái đang xanh, hứng phải nước mắt và tiếng khóc than của người mẹ dần dần ửng vàng.
Ngày xưa, người ta gọi thứ trái lạ này là trái Huyền Nương, nhưng dần dần đổi lại là trái thơm.