1. Sự khác nhau tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ
Tiêm chủng mở rộng là chương trình được triển khai trên cả nước, tất cả trẻ em đều được tiêm miễn phí. Đối với những mũi tiêm không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc bố mẹ muốn lựa chọn loại thuốc khác thì có thể chọn tiêm dịch vụ tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế dự phòng để tiêm chủng cho trẻ.
2. Những mũi tiêm nào có trong chương trình tiêm chủng mở rộng
- Viêm gan B mũi 0 và lao trong vòng 24 giờ sau sinh
- Bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 1 mũi 1(vắc xin 5 trong 1) và uống vắc-xin bại liệt vào tháng thứ 2, 3, 4 sau khi sinh
- Vắc-xin sởi mũi 1 vào 9 tháng tuổi
- Vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà mũi 4 vào 18 tháng tuổi
- Sởi – rubella vào 18 tháng
- Viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi (3 mũi tiêm)
3. Vắc xin Quinvaxem là vắc-xin gì?
Quinvaxem hay còn gọi là vắc-xin 5 trong 1 được dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Quinvaxem giúp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi – viêm màng não do vi khuẩn Hib. Khi tiêm Quinvaxem, trẻ có thể sốt và quấy khọc nhưng những biểu hiện này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Tỷ lệ sốc phản vệ theo khuyến cáo của nhà sản xuất là 20/1 triệu liều và những trường hợp co giật kèm sốt và khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau khi tiêm là dưới 1/100 liều.
Những trường hợp không tiêm Qinvaxem là:
- Sốt 40ºC trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
- Sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
- Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
- Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin
- Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ.
- Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
4. Trẻ đã được tiêm 6 in 1 dịch vụ nhưng hết thuốc thì có thể tiêm tiếp 5 in 1 không?
Thực tế, các mẹ không cần phải chờ đến khi có thuốc mà có thể cho con tiêm mũi tiếp theo khi đến lịch. Chỉ cần mang sổ tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng như bệnh viện, trung tâm y tế để được tư vấn tiêm loại vắc-xin phù hợp, chẳng hạn như mũi 5 in 1 và mũi tiêm phòng lao bổ sung hoặc mũi 5 in 1 của chương trình mở rộng và uống thêm vắc-xin phòng bại liệt.
5. Bé đã chích ngừa nhưng sau đó ở trường học lại có đợt tiêm chủng cùng loại thuốc thì có cần phải tiêm nữa không?
Các chuyên gia cho biết, đối với các loại thuốc có cùng thành phần, cần phải tiêm cách nhau tối thiểu là 1 tháng. Nếu đã qua khoảng cách thời gian này, có thể tiếp tục tiêm chủng cho trẻ mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.
6. Sau khi tiêm 5 in 1 và uống vắc-xin bại liệt thì các mẹ nên đưa con tiêm nhắc lại khi nào?
Trẻ nhỏ đã tiêm 3 mũi 5 in 1 hay 6 in 1 cần tiêm nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi.
7. Nếu đã bị lỡ mũi tiêm chủng, bé có cần phải được tiêm lại từ đầu không?
Vì một nguyên nhân nào đó mà trẻ phải hoãn việc tiêm chủng, bố mẹ cần đưa bé đi bổ sung mũi chích đó càng sớm càng tốt và không phải chích lại từ đầu.
8. Những điểm tiêm vắc-xin có thực hiện hoạt động vào một ngày cố định không?
Lịch tiêm chủng ở các điểm tiêm chủng thường không giống nhau. Một số điểm tiêm chủng triển khai tiêm phòng hàng ngày nhưng giới hạn số lượng trẻ được tiêm để có thể theo dõi sát sao từng bé. Một số điểm tiêm chủng khác lại có lịch tiêm cố định, theo đó, trong một ngày chỉ tiêm một loại thuốc nhất định. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên mọi tỉnh thành, không lệ thuộc địa chỉ thường trú nên các bố mẹ có thể đưa con đến trạm y tế nơi mình đang cư trú để đăng ký chích ngừa cho trẻ.