Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lý rất hiếm gặp, gây ra bởi vi rút đậu mùa khỉ. Vi rút này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như vi rút gây bệnh thủy đậu nhưng bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ nhàng hơn.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì và lây qua đường nào?
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lý rất hiếm gặp, gây ra bởi vi rút đậu mùa khỉ. Vi rút này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như vi rút gây bệnh thủy đậu nhưng bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ nhàng hơn.
1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ tương tự như vi rút gây bệnh đậu mùa ở người trước đây, thuộc chi Orthopoxvirus. Bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra ở người xảy ra ở Châu Phi một cách không thường xuyên. Hầu hết các trường hợp dịch đậu mùa khỉ được báo cáo là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Kể từ năm 2016, các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận tại Sierra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Nigeria, đây là những nơi đã trải qua đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lớn nhất gần đây, tỷ lệ mắc mới cao gấp 20 lần so với trước đó được giải thích là do việc ngừng tiêm chủng vắc xin đậu mùa vào năm 1980.
Những người đã được tiêm vắc xin đậu mùa, thậm chí đã tiêm hơn 25 năm trước, đều ít nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi có xu hướng ngày càng gia tăng do con người đang xâm phạm sâu vào môi trường sống của các loài động vật hoang dã mang vi rút đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ hiện nay có 2 chủng, với khả năng gây tử vong lần lượt là 1% hoặc 10%, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng rủi ro của căn bệnh này hiện nay đối với cộng đồng còn thấp. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 22/5 năm 2022, có đến 92 ca đậu mùa khỉ xuất hiện và 28 trường hợp nghi nhiễm tại 12 quốc gia, WHo dự đoán sắp tới các ca nhiễm sẽ xuất hiện nhiều hơn khi phạm vi giám sát của WHO được mở rộng.
2. Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Đậu mùa khỉ là loại vi rút lưu hành phổ biến ở các động vật có vú nhỏ tại châu Phi như chuột, khỉ. Mầm bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu vào những năm 1950, lây nhiễm sang người vào năm 1970. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người qua tiếp xúc dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da. Sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ từ người sang người xảy ra không hiệu quả và được cho là xảy ra hầu hết qua các giọt bắn đường hô hấp lớn khi tiếp xúc trong thời gian dài.
Hiện nay, giới chức y tế các nước vẫn chưa giải thích được nguyên nhân virus đậu mùa khỉ đột ngột lây lan. Cơ quan chức năng đang điều tra giả thiết bệnh đậu mùa khỉ có hay không có khả năng lây lan qua đường tình dục. Các ca nhiễm bệnh gần đây chủ yếu là nam giới trong cộng đồng LGBT do đó các chuyên gia kêu gọi nhóm đối tượng này cần đặc biệt lưu ý đến các điểm bất thường trên cơ thể như: phát ban, mụn nước...
banner image
3. Bệnh đậu mùa khỉ có chết không?
Đậu mùa khỉ cùng họ với bệnh đậu mùa, nhưng nhẹ hơn với 2 chủng đậu mùa khỉ phổ biến:
Chủng Congo thường có biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%;
Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, chủng này biểu hiện ít nghiêm trọng, thường gây tử vong với tỉ lệ 1% người mắc bệnh. Hiện nay các bệnh nhân ở Anh hầu hết mắc chủng đậu mùa Tây Phi.
Phần lớn người bệnh đậu mùa khỉ sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 đến 4 tuần. Virus đậu mùa khỉ không dễ lây truyền như Covid-19, được đánh giá rất khó gây ra đại dịch với mức độ tương đương. Các chuyên gia cho rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện tại lây lan qua việc tiếp xúc gần, thân mật với người đã có triệu chứng phát ban, do đó virus sẽ dễ kiểm soát hơn khi đã xác định được nguồn lây.
Tuy nhiên theo WHO, các đợt bùng phát gần đây là tương đối hiếm gặp do đậu mùa khỉ đang lây lan tại quốc gia nơi vi rút không lưu hành thường xuyên, vì vậy các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của các ca nhiễm để xem vi rút đậu mùa khỉ hiện nay có thay đổi về mặt di truyền hay không?
4. Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
WHO cho biết thời kỳ ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 5 đến 21 ngày và quá trình nhiễm bệnh được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn virus xâm nhập kéo dài 5 ngày: sốt, nhức đầu dữ dội, sưng hạch bạch huyết, đau lưng, đau cơ và suy nhược cơ thể. Điểm khác biệt của bệnh đậu mùa khỉ so với các bệnh khác là nổi hạch trong khi các triệu chứng còn lại tương tự bệnh thủy đậu, bệnh sởi hoặc đậu mùa thông thường.
Giai đoạn hai là phát ban trên da: biểu hiện trong 1 đến 3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt, phát ban tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là ở thân và tiến triển tuần tự, rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa nhô cao, sau đó là mụn nước và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).
Nam giới đồng tính và song tính được Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng, bởi 4 ca nhiễm gần đây được xác định là người thuộc cộng đồng này. Thêm vào đó tỷ lệ bệnh nhân là người đồng tính nam hoặc lưỡng tính cũng cao vào khoảng 57%. Các đối tượng này cần chú ý đến hiện tượng phát ban trên da hoặc bất kỳ tổn thương bất thường nào. Cho dù bệnh đậu mùa khỉ trước đây không nằm trong nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các đợt bùng phát lần này có thể là bằng chứng cho thấy vi rút có đặc tính này.
5. Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ chỉ là điều trị hỗ trợ, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc như:
Thuốc kháng vi rút Tecovirimat;
Thuốc kháng vi rút cidofovir;
Thuốc Brincidofovir.
Tất cả các loại thuốc này đều có hoạt tính chống lại vi rút đậu mùa khỉ trên phòng thí nghiệm và trong các mô hình thử nghiệm. Tuy nhiên, không có loại thuốc nào kể trên được nghiên cứu hoặc sử dụng cho người trong các vùng dịch lưu hành để điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng.