1. Các giai đoạn của bệnh sởi ở trẻ em
Khi trẻ bị nhiễm bệnh, sẽ trải qua 4 giai đoạn cụ thể:
- Thời kỳ ủ bệnh (8-11 ngày): Thời kỳ này trẻ có thể sẽ bị sốt nhẹ.
- Thời kỳ khởi phát (3-4 ngày): Biểu hiện của trẻ thường là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5 độ đến 40 độ.
- Bên cạnh biểu hiện sốt cao, còn kèm theo các triệu chứng khác như co giật, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp.
- Thời kỳ toàn phát (kéo dài 6 ngày): Các nốt ban bắt đầu xuất hiện ở các bộ phận trên cơ thể. Ngày 1, mọc ở sau tai, lan ra mặt. Ngày 2 lan xuống đến ngực, tay. Ngày 3 lan đến lưng, chân. Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự trên.
- Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da.
Nội ban xuất hiện gọi là hạt Koplick, đó là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục, vài trăm nốt mọc ở niêm mạc má, xung quanh hạt Koplick niêm mạc má thường có sung huyết.
2. Những biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh có thể được phòng tránh bằng cách tiêm vaccine cho trẻ. Nếu trẻ chưa được tiêm phòng và mắc bệnh, bạn cần đặc biệt chú ý và chăm sóc kỹ nếu không có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong hoặc sau khi mắc bệnh.
Dưới đây là một số biến chứng thường gặp:
- Viêm phổi: Thường là do bội nhiễm vi trùng khác như phế cầu, liên cầu, tụ cầu Hemophilus Influenzae.
- Viêm tai giữa: Sốt cao, quấy khóc, chảy mủ 1 hoặc 2 bên tai.
- Lao: Sởi làm tăng nguy cơ trầm trọng bệnh lao tiềm ẩn và làm gia tăng mức độ lao sơ nhiễm.
- Viêm thanh quản: Có thể kèm cơn khó thở về đêm, ho hen, khàn giọng, nếu nặng có thể khó thở thanh quản.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu: Thường xảy ra từ ngày 3 đến ngày 5
- Viêm não tủy (0,1 – 0,2%): Có thể xảy ra sớm hơn 2 tuần với triệu chứng sốt cao, nôn ói, nhức đầu, lơ mơ, co giật.
- Một số chứng bệnh khác: Viêm kết mạc mắt, dẫn đến loét giác mạc do thiếu Vitamin A dẫn đến mù. Viêm cơ tim. Viêm loét niêm mạc má, miệng (dân gian còn gọi là cam tẩu mã). Viêm hạch mạc trên ruột, gây đau bụng.
- Viêm gan: gây vàng da, tăng men gan (chủ yếu gặp ở người lớn). Viêm vỉ cầu thận cấp.
3. Cách chăm sóc trẻ bị sởi
Khi đưa trẻ đến điều trị tại các cơ sở y tế cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nếu chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà bạn cần chú ý đến các điểm sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6 -8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể.
- Nên thường xuyên rửa mặt, lau miệng cho trẻ bằng khăn sạch, mềm. Đồng thời thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như: Cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải… mà nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào…
- Với trẻ bị sởi cần đặc biệt kiêng gió, kiêng bẩn và cách ly trẻ để tránh lây lan.