Ngạt mũi làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc, lâu ngày có thể biến chứng thành các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản. Dưới đây là một số cách chữa ngạt mũi cho trẻ mà mẹ có thể áp dụng tại nhà.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý
Phụ huynh rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ sẽ giúp đẩy dịch lỏng ra ngoài, giúp mũi khô thoáng. Đặt bé nằm ngửa rồi giữ đầu nghiêng sang một bên, từ từ nhỏ một đến hai giọt nước muối vào mũi. Tiếp đó, dùng khăn sạch lau chất nhầy chảy ra ngoài. Nếu bé bị ngạt mũi bởi dịch đặc, phụ huynh nên đợi khoảng vài phút rồi thực hiện thao tác hút dịch mũi bằng máy.
Phụ huynh nên chọn loại nước muối được sản xuất theo công nghệ đơn liều, dung tích 0,5ml, đầu chai tròn nhỏ bảo vệ an toàn khi tiếp xúc với mũi bé.
|
Các bước rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé.
|
Xông hơi
Xông hơi giúp đánh tan các dịch đặc trong mũi. Mẹ chuẩn bị một chậu nước đã đun sôi cùng các loại thảo dược như lá bưởi, bạc hà, lá sả, thêm một chút muối giúp diệt khuẩn. Đợi vài phút cho nước bớt nóng, mẹ bế con ngồi cách chậu khoảng 40cm để hơi nước thảo dược giúp bé dễ chịu.
Không khí ẩm có thể làm dịu đi sự khô hanh của không khí, giúp bé giảm khô mũi, giảm những cơn ho kho khè. Cha mẹ cũng nên sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương trong điều kiện thời tiết hanh khô hoặc đặt một chậu nước trong phòng bé khi sử dụng điều hòa.
Giữ ấm cơ thể
Phụ huynh giữ ấm cho trẻ. Nhiệt độ trong phòng nên duy trì ở mức 27-28 độ C. Khi bé bị ngạt mũi, mẹ có thể treo một lọ tinh dầu tràm trên đầu giường bé để thanh lọc không khí. Sau đó mẹ dùng một ít tinh dầu bôi vào mũi và gan bàn chân trẻ mỗi buổi tối để giữ ấm.
|
Bên cạnh việc chữa ngạt mũi, mẹ cho con uống đủ nước và ăn nhiều hoa quả, bổ sung vitamin A, C để tăng sức đề kháng.
|
Khi trẻ mới ngạt mũi mẹ không nên vội vàng mua thuốc cho con uống khi không có chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu tình trạng này kéo dài, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện khám. Đồng thời, mẹ cho con uống đủ nước và ăn nhiều hoa quả, bổ sung vitamin A, C để tăng sức đề kháng.