Dùng mẹo chữa chàm sữa, da con bị tổn thương nặng
3 tháng tuổi, con trai chị Nguyễn Thị Minh (Cầu Giấy) bị ửng đỏ cả hai má, quan sát thấy con thường xuyên dụi tay vào má. Ban đầu chị Minh nghĩ con bị khô da, chị dùng kem dưỡng da bôi cho con nhưng không hiệu quả.
Chị Minh được một người quen mách dùng sữa mẹ bôi lên má con điều trị khô da rất hiệu quả. Chị đã áp dụng theo nhưng hai má con vẫn ửng đỏ và mọc mụn đinh có rỉ nước. Sau một thời gian bôi sữa mẹ và đắp lá theo mẹo dân gian, nốt mụn trên mặt con càng nhiều và có mủ.
Chị Minh vội vàng đưa con đi khám bác sĩ kết luận con chị bị viêm da cơ địa và bị bội nhiễm do chăm sóc không đúng cách.
Chàm sữa là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa).
Ths.BS Đỗ Xuân Khoát, Nguyên trưởng khoa Da liễu – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện 198) cho hay, rất nhiều cha mẹ mắc phải sai lầm khi trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa dân gian hay còn gọi là chàm sữa. Đặc biệt, việc dùng sữa mẹ để chữa chàm sữa ở trẻ sơ sinh là rất nguy hiểm.
Sữa mẹ có rất nhiều chất dinh dưỡng, đường là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Việc bôi sữa mẹ lên những vùng da bị tổn thương tăng nguy cơ bội nhiễm.
Hiện nay, nhiều cha mẹ khi con bị chàm sữa thay vì đi khám thì tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị cho con, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Bác sĩ Khoát đã từng gặp trường hợp bệnh nhi bị chàm sữa, bố mẹ ra hiệu thuốc tự ý mua thuốc có chứa thành phần corticosteroid. Việc dùng thuốc corticosteroid kéo dài không theo đúng chỉ định của bác sĩ có thể gây ra hỏng da không phục hồi cho trẻ. Đã có bệnh nhi tới điều trị trong tình trạng hỏng toàn bộ da mặt, teo da, khô da, giãn mạch, mọc lông rậm do lạm dụng thuốc corticosteroid.
"Không dùng các biện pháp dân gian như bôi nước nhai trầu, nước lá trầu không vùng da bị chàm vì chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Điều trị chàm sữa ở trẻ nhỏ có một số loại kem có chứa corticosteroid nhưng nồng độ cực thấp và chỉ điều trị trong thời gian ngắn (7-10 ngày). Cha mẹ cần lưu ý khi bác sĩ kê thuốc thì dùng đúng liều lượng và thời gian, không nên tiếc thuốc đã mua cho con mà tiếp tục bôi. Không dùng kháng sinh để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm và có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Khoát cho hay.
Đã có bệnh nhi tới điều trị trong tình trạng hỏng toàn bộ da mặt, teo da, khô da, giãn mạch, mọc lông rậm do lạm dùng thuốc corticosteroid (Ảnh minh họa).
Tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng
Bác sĩ Khoát cho hay trẻ bị chàm sữa trong thời gian bú mẹ vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ đầy đủ. Khi trẻ chuyển sang giai đoạn ăn bổ sung cần tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, đồ biển, thực phẩm lên men, đậu phộng (hạt lạc)…
Giúp giảm ngứa cho trẻ bằng cách cho trẻ tắm nước ấm. Tránh cọ xát vào vùng da bị chàm sẽ kích thích mụn mọc nhiều. Nên mặc cho trẻ quần áo mềm, tránh làm tổn thương da. Đặc biệt nơi trẻ nằm nên thoáng mát tránh có gió lùa và nhiệt độ thay đổi đột ngột để tránh chàm tái phát. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó mèo, khói, bụi tác nhân gây ra dị ứng.
Theo bác sĩ Khoát, trẻ bị chàm sữa sau 2 tuổi bệnh sẽ đỡ dần, trong thời gian trẻ dưới 2 tuổi cần phải chăm sóc trẻ tốt để tránh nguy cơ tái phát bệnh. Trẻ có những triệu chứng tái phát bệnh cần đưa trẻ đi khám không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà.