1. Các loại chảy máu cam
Chảy máu cam hay còn được gọi là chảy máu mũi được phân thành 2 loại:
Chảy máu mũi sau
- Chiếm khoảng 10% trường hợp, thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi
- Thường chảy máu cả hai bên. Máu mũi chảy ra phía sau và chủ yếu đi xuống họng. Máu chảy nhiều, có thể nguy kịch. Kiểm soát bằng nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.
- Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn và thường cần được chăm sóc y tế. Thường xuất hiện ở người cao tuổi, người huyết áp cao hay trong chấn thương vùng mũi mặt.
Chảy máu mũi trước
- Chiếm khoảng 90% trường hợp. Xuất phát từ phía trước mũi. Vị trí hay bị chảy máu nhất là đám rối Kieselbach ở phần dưới của vách ngăn mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi).
- Thường chảy máu một bên. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước (nếu có chảy xuống họng thì số lượng cũng ít). Chảy máu dai dẳng, khối lượng không nhiều. Thường ngừng chảy máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu. Trường hợp nặng cần thực hiện kỹ thuật “đốt” điểm mạch bằng nitrat bạc hoặc hóa chất khác.
- Rất phổ biến ở những vùng khí hậu hanh khô hay môi trường khô (dùng lò sưởi, máy điều hòa kéo dài). Tình trạng khô niêm mạc khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.
2. Mẹ cần làm gì khi trẻ bị chảy máu cam?
Khi bỗng dưng bị chảy máu mũi, bản thân trẻ cũng sẽ rất sợ hãi và hoảng hốt. Vì vậy, việc đầu tiên mẹ nên làm là giúp trẻ quên đi nỗi sợ ấy bằng một câu chuyện, cho trẻ xem phim hoạt hình, hay chương trình ca nhạc mà trẻ yêu thích trong lúc đợi mẹ cầm máu.
Tiếp đó, mẹ hãy hướng dẫn trẻ chúi đầu nhẹ về phía trước, dùng hai ngón tay bóp chặt 2 bên cánh mũi trong khoảng 10 phút. Lúc này, mẹ nên hướng dẫn trẻ thở nhẹ nhàng bằng miệng.
Các mẹ đặc biệt lưu ý, không để trẻ nằm ngửa hoặc ngồi ngửa đầu ra sau như nhiều người vẫn thường làm. Đây là cách chữa chảy máu cam cho trẻ hoàn toàn sai lầm bởi tư thế nằm hoặc ngồi ngửa đầu như vậy sẽ khiến máu chảy ngược xuống cổ họng vào dạ dày, có thể làm trẻ khó chịu và gây nôn ói.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho trẻ chườm khăn lạnh hoặc chườm đá cục ở hai bên cánh mũi cũng sẽ có tác dụng cầm máu nhanh chóng.
Thông thường, thực hiện các bước như trên sẽ giúp trẻ cầm máu sau 10 phút. Tuy nhiên, nếu sau 20 phút, trẻ vẫn bị chảy máu mũi mà không có dấu hiệu ngừng, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng trẻ bị mất quá nhiều máu.
3. Biện pháp chữa trị khi trẻ bị chảy máu cam
Mẹ có thể phòng chảy máu cam ở trẻ bằng cách, cắt móng tay thường xuyên và nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi, dễ gây viêm loét và chảy máu mũi.
Nếu thỉnh thoảng trẻ mới chảy máu cam một lần thì các mẹ không nên lo lắng quá. Mỗi lần trẻ chảy máu mũi, mẹ nên áp dụng cách chữa chảy máu cam, cầm máu như trên rồi cho trẻ nghỉ ngơi.
Còn nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, lượng máu chảy ngày càng nhiều, hoặc chảy máu nhiều mà không cầm được… thì mẹ nên cho trẻ đi khám và kiểm tra tổng quát để biết được tình trạng cấu tạo mũi cũng như nguy cơ rối loạn đông máu có xảy ra ở trẻ.
Thêm vào đó, mỗi tuần một lần, mẹ nên rửa sạch mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý nhỏ. Chú ý, vệ sinh nhẹ nhàng và không lạm dụng rửa nước muối nhiều lần, dễ làm mất đi lớp nhầy bảo vệ, gây tổn thương niêm mạc mũi.
4. Khi trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì?
Dinh dưỡng hợp lý sẽ là một cách chữa chảy máu cam cho trẻ thiết thực lại đơn giản, các mẹ hãy bổ sung ngay những thực phẩm sau để trẻ chóng khỏe nhé!
Thực phẩm giàu canxi
Canxi là một yếu tố cần thiết để thúc đẩy cơ chế chống chảy máu trong cơ thể trẻ hoạt động hiệu quả, ngăn chặn trẻ tại chảy máu cam. Mẹ có thể lựa chọn các loại cá như cá trích, cá thu, cá bơn, tôm, cua, ghẹ… là những thực phẩm chứa nhiều canxi để chế biến món ăn cho trẻ.
Trái cây giàu vitamin C
Vitamin C đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ mạch máu, đẩy lùi tình trạng chảy máu cam ở trẻ rất tốt. Do đó, mẹ nên tăng cường các loại rau củ quả, nhất là các loại rau lá xanh, củ quả và trái cây như cam, quýt, chanh, bông cải xanh, cà chua, khoai tây… vào bữa ăn hàng ngày để cung cấp đầy đủ vitamin C cho trẻ.
Vitamin K
Vitamin K giúp quá trình đông máu diễn ra thuận lợi, hạn chế lượng máu bị mất khi trẻ bị chảy máu cam. Vì vậy, nếu trẻ hay bị chảy máu cam, mẹ nên bổ sung vitamin K cho trẻ từ một số thực phẩm như bơ, kiwi, nho xanh, dưa leo, đậu cove, bắp cải…
Các mẹ cũng cần ghi nhớ, một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất là đã đủ để vi khuẩn ruột có thể tổng hợp đủ vitamin K cần thiết mỗi ngày cho trẻ rồi đấy.