Do sức đề kháng của trẻ còn rất kém, khả năng thích nghi với môi trường không cao, nên khi mùa đông xuân khí hậu ẩm ướt, lạnh… trẻ rất dễ bị sổ mũi. Sổ mũi là một trong những hội chứng lớn của mũi. Chảy nước mũi có thể nhìn thấy ở ngay trước mũi hoặc chảy xuống họng làm cho trẻ ho.
Nếu không ngăn chặn sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng dẫn tới viêm mũi – họng, viêm phế quản… Để điều trị hết sổ mũi cho trẻ cần phải xác định đúng nguyên nhân gây ra viêm và xử lý chính xác.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi nên xịt nước muối sinh lí, sau đó dùng các dụng cụ hút nước mũi, rồi nhỏ mũi bằng các loại thuốc dành riêng cho trẻ em. Tránh dùng các thuốc có dầu và các loại thuốc làm co mạch máu. Nếu nước mũi của trẻ có màu vàng, chứng tỏ trẻ đã bị nhiễm khuẩn. Nếu kèm theo sốt, thì ngoài xịt mũi như trên cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và thuốc kháng sinh theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.
Việc làm sạch mũi trước khi nhỏ thuốc là cần thiết, tuy nhiên cần tránh thực hiện động tác này bằng cách dùng miệng của người lớn hút mũi cho trẻ. Vì bình thường ở họng miệng của người lớn chứa rất nhiều loại vi khuẩn và virus, nấm khác nhau nên khi hút mũi cho trẻ bằng phương pháp này người lớn vô tình truyền thêm cho trẻ vi khuẩn, những loại mà trẻ chưa hề tiếp xúc làm bệnh nặng thêm và khó điều trị.
Trong thời tiết hiện nay, để tránh các bệnh đường mũi – họng cho trẻ, ngoài việc giữ ấm, nhất là vùng họng và chân tay, nên bổ sung thêm vitamin và sắt cho trẻ, không khí trong phòng trẻ phải khô, thoáng. Không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa hay khói thuốc lá. Vệ sinh thường xuyên vùng mũi cho trẻ. Khuyến khích trẻ vận động và tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.